Vũ khí, vật liệu nổ (VK VLN) sót lại sau chiến tranh và nhiều loại súng
tự chế tiềm ẩn nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT), thời
gian qua Công an tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai đồng bộ, quyết
liệt các mặt công tác, luôn linh hoạt có nhiều cách làm hay, sáng tạo
mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong thu hồi VKVLN bảo đảm
tốt ANTT trên địa bàn.
Từ thực tiễn công tác, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng và
phát huy hiệu quả nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: “Thôn, buôn
không có VK VLN”; “Vận động thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và
công cụ hỗ trợ”; đổi lương thực, đồ dùng học tập lấy VK VLN… được Công
an huyện Krông Pa, Phú Thiện, Đak Đoa, thị xã An Khê, Chư Prông, Ia Pa,
Kbang….triển khai, nhân rộng đang phát huy hiệu quả rất tích cực.
|
Công
tác tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa
của tỉnh Gia Lai luôn được Công an các đơn vị, địa phương duy trì thường
xuyên |
Điển hình, Công an huyện Krông Pa đã thường xuyên chỉ đạo các đội nghiệp
vụ và Công an cấp xã phối hợp với chính quyền, hệ thống chính trị cơ
sở, người uy tín tại các thôn, buôn xây dựng và nhân rộng mô hình “Vận
động thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”. Từ tháng
8/2023 đến nay, mô hình đã được nhân rộng ở 77 thôn, buôn thuộc nhiều
xã, qua đó thu hồi được hơn 200 súng tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ
trợ.
Thiếu tá Mai Văn Năng – Phó trưởng Công an huyện Krông Pa chia sẻ:
“Huyện Krông Pa có địa phận giáp ranh với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên
và huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn
70%. Thời gian qua, mô hình “Vận động thu hồi, giao nộp vũ khí, vật
liệu nổ và công cụ hỗ trợ” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
chính trị ở cơ sở, đồng thời lan toả sâu, rộng phong trào “Toàn dân bảo
vệ an ninh Tổ quốc”. Qua mô hình, bà con tại các thôn, buôn rất tích
cực hưởng ứng, đặc biệt đội ngũ già làng, người uy tín, chức sắc tôn
giáo luôn phát huy cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác tuyên
truyền, vận động Nhân dân giao nộp VK VLN”.
Tại địa bàn huyện Phú Thiện, Công an nhiều xã cũng đã tích cực tham
mưu xây dựng và nhân rộng mô hình “Thôn, buôn không có vũ khí, vật liệu
nổ”. Đơn cử như mô hình "Thôn Plei Tăng B, xã Ia Ke không có vũ khí, vật
liệu nổ, công cụ hỗ trợ" có 09 thành viên. Từ tháng 3/2024 đến nay,
thông qua mô hình đã tổ chức 13 buổi tuyên truyền, vận động Nhân dân
chấp hành các quy định của pháp luật về VK VLN và pháo, qua đó Nhân dân
giao nộp 5 khẩu súng tự chế, vật liệu nổ.
|
Công
an xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông phát huy hiệu quả chương trình
đổi lương thực, đồ dùng học tập cho học sinh lấy VK VLN. |
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công
an tỉnh luôn chủ động, tích cực phối hợp với Công an nhiều địa phương
triển khai thực hiện hiệu quả chương trình “Đổi lương thực lấy vũ khí”,
kết hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật đã nâng cao sự hiểu biết của
người dân, đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số về tác hại của việc
tàng trữ VK VLN.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Ánh - Trưởng Công an xã Hra, huyện Mang Yang chia
sẻ: “Thời gian qua, Công an xã Hra đã tích cực tham mưu UBND xã, lãnh
đạo Công an huyện Mang Yang xây dựng các chương trình, kế hoạch vận động
thu hồi VK VLN, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật nhất là tranh
thủ người uy tín để thực hiện hiệu quả công tác này. Nhờ vậy, thời gian
gần đây tình trạng tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến VK
VLN không xảy ra. Điển hình vừa qua, Công an xã Hra phối hợp với Phòng
Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh, các đội nghiệp vụ Công an huyện,
chính quyền cơ sở tổ chức chương trình “Đổi gạo lấy vũ khí” tại làng Kon
Chrah, xã Hra, trong một buổi đã thu nhận hơn 50 khẩu súng tự chế, VLN
các loại. Tại chương trình, câu lạc bộ từ thiện “Vòng tay yêu thương” và
“Con đường xanh” đã trao 1 tấn gạo, 100 thùng mì tôm cho những người
giao nộp vũ khí và những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá
các phần quà khoảng 22 triệu đồng”.
Ia Mơ là xã biên giới của huyện Chư Prông có hơn 730 hộ dân với hơn
3.000 nhân khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc Jrai chiếm 80%. Thời
gian qua, Công an xã Ia Mơ duy trì chương trình “Đổi lương thực, đồ dùng
học tập lấy vũ khí” và đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua đó đã nâng
cao ý thức về chấp hành pháp luật cho người dân.
|
Thông qua mô hình “Vận động thu hồi, giao nộp VK, VLN và CCHT” Công an huyện Krông Pa thu hồi nhiều súng tự chế. |
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Công an Gia Lai đã lồng
nghép tổ chức hơn 7.000 buổi phát động quần chúng, tuyên truyền tập
trung tại cơ sở, trường học… thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, Công an toàn tỉnh cũng đã linh hoạt áp dụng nhiều hình thức
tuyên truyền phong phú, đa dạng như: thông qua các hội, nhóm trên Zalo,
Facebook; mô hình tuyên truyền trên các trang mạng xã hội; hệ thống loa
truyền thanh, sử dụng loa lưu động, phát tờ rời…qua đó đã vận động
người dân giao nộp hơn 700 súng tự chế, VLN, CCHT.
Thượng tá Chu Kiến Trúc – Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an
tỉnh Gia Lai khẳng định: “Gia Lai là địa bàn rộng, dân cư thưa, bà con
đồng bào dân tộc thiểu số thường có thói quen, tập quán săn bắn chim,
thú nên chế tạo, tàng trữ súng tự chế tiểm ẩn nguy hiểm, ảnh hưởng đến
ANTT. Thời gian qua, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của lãnh
đạo Bộ Công an, các Cục nghiệp vụ và Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh
sát QLHC về TTXH Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với Công an các đơn
vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thu hồi VK, VLN.
Từ thực tiễn công tác, Công an cơ sở đã có những cách làm hay, sáng
tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ
Công an tỉnh, Công an cấp huyện cũng đã phối hợp thực hiện hiệu quả công
tác đấu tranh, ngăn chặn tội phạm liên quan đến hành vi mua bán, tàng
trữ súng tự chế, súng quân dụng. Nhiều vụ án, đối tượng liên quan đến
hành vi trên đã được đưa ra xét xử công khai bằng những bản án nghiêm
khắc của pháp luật, qua đó góp phần quan trọng răn đe, phòng ngừa chung
và bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn./.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an