Trong hai ngày 8 và 9/3/2025, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân.
Trong khuôn khổ của sự kiện, người dân sẽ được tham quan khu trưng bày thiết bị, khí tài của lực lượng Công an nhân dân tại dọc đường Hàng Khay, Tràng Tiền và một phần đường Hàng Bài (trong khuôn viên phố đi bộ) với nhiều trang thiết bị tối tân, hiện đại, như: Xe bọc thép, robot, xe chữa cháy…
Song song với đó là các khu trải nghiệm tương tác kết hợp tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống tội phạm công nghệ cao… và các hoạt động: Trải nghiệm công dân số, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông… giúp người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống tội phạm và các hoạt động phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.
Khu trưng bày triển lãm của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đem đến sự kiện “Vinh quang Công an nhân dân Việt Nam” là khu trải nghiệm công dân số, hướng tới việc hoàn thiện chính sách, đưa ra các giải pháp, tiện ích của Đề án 06/CP, gỡ “điểm nghẽn” pháp lý, “Chìa khóa” để đột phá triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW.
Nghị quyết số 57-NQ/TW do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22/12/2024, xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tiến nhanh trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để những mục tiêu, động lực này thực sự phát huy hiệu quả, việc hoàn thiện chính sách và tháo gỡ các “điểm nghẽn” về cơ chế là nhiệm vụ cấp bách và then chốt.
Thực tế, hệ thống pháp luật hiện hành đôi khi chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ, dẫn đến những rào cản không đáng có. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startups) muốn đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, nhưng lại gặp khó khăn do quy định khắt khe về lưu trữ và sử dụng dữ liệu. Các viện nghiên cứu có ý tưởng đột phá, nhưng khó tiếp cận nguồn tài trợ do quy trình xét duyệt phức tạp.
Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP, chuyển đổi số giúp tăng cường đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ…
Cán bộ Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hướng dẫn người dân tại sự kiện
Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, đồng thời đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách liên quan nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào ngày 4/3 vừa qua, các thành viên của Ban Chỉ đạo đều thống nhất đánh giá, chính sách phải đi trước một bước, nhiều bước để làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp, người dân, xã hội tham gia mạnh mẽ vào công cuộc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Những chính sách này phải hướng vào, tạo ra các giá trị lớn trong sản xuất với sản phẩm cụ thể chứa đựng hàm lượng khoa học kỹ thuật ngày càng cao.
Để triển khai Nghị quyết 57 thành công, chính sách không chỉ phải theo kịp thực tiễn, mà còn phải đi trước một bước, nhiều bước. Điều này đòi hỏi một cuộc cải cách sâu rộng trong tư duy làm luật, trong cách xây dựng và thực thi chính sách. Cụ thể, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý. Việt Nam cần một khung pháp lý linh hoạt, cập nhật theo tốc độ phát triển của công nghệ. Cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu số và quản lý AI cần được thiết kế theo hướng thúc đẩy sáng tạo thay vì kiểm soát cứng nhắc.
Rà soát và loại bỏ rào cản không cần thiết như cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp, gây kìm hãm sự phát triển của xã hội, doanh nghiệp, đặc biệt trong phê duyệt ngân sách nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới. Cần cơ chế "sandbox" – tức là tạo không gian thử nghiệm chính sách – để doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu có thể tự do thử nghiệm các công nghệ tiên tiến mà không bị ràng buộc bởi quy định cũ kỹ.
Chính sách đầu tư theo hướng "mở", Nhà nước không thể và không nên "ôm đồm" mọi thứ. Thay vì cấp vốn dàn trải, cần có chính sách ưu tiên cho những lĩnh vực công nghệ lõi, có khả năng tạo đột phá. Đồng thời, mở rộng hành lang pháp lý để khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Các công ty chủ động, dám chấp nhận rủi ro và dành nguồn lực đáng kể cho nghiên cứu và phát triển, điều này giúp họ tạo ra công nghệ mới, sản phẩm đột phá hoặc cải tiến quy trình sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà tốc độ quyết định tất cả. Nếu chính sách chậm một bước, chúng ta sẽ mất cơ hội. Nếu tư duy quản lý vẫn theo lối cũ, doanh nghiệp sẽ chọn cách dịch chuyển ra nước ngoài để tìm môi trường thuận lợi hơn hoặc sức hút đối với doanh nghiệp FDI sẽ giảm.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhiều lần nhấn mạnh không thể chậm trễ được nữa bởi đây là thời cơ và để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước, với nhân dân. Vấn đề không chỉ là ban hành một nghị quyết mạnh mẽ, mà còn là cách chúng ta hiện thực hóa nó. Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được thành lập, nhưng điều quan trọng là từ Trung ương đến địa phương phải có sự đồng bộ, nhất quán. Mỗi tỉnh, thành phải có cơ chế linh hoạt để triển khai chính sách phù hợp với đặc thù địa phương.
Một số hình ảnh của người dân tại sự kiện
Cũng trong phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, những nội dung này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh và định hướng xuyên suốt. Cụ thể, sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm Trưởng ban. Điều này nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Bên cạnh đó, cần một hệ thống đánh giá minh bạch về hiệu quả triển khai Nghị quyết 57. Những bộ, ngành, địa phương làm tốt phải được khuyến khích, nơi nào trì trệ, gây ách tắc thì phải có chế tài xử lý. Hoàn thiện chính sách và tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế không phải là việc làm "bổ trợ", mà là nhiệm vụ sống còn để Nghị quyết 57 đi vào thực tiễn.
Khép lại chuỗi hoạt động đầy ấn tượng tại sự kiện “Vinh quang Công an nhân dân Việt Nam”, với việc đưa đến khu trải nghiệm Dịch vụ công dân số, Cục cảnh sát QLHC về TTXH muốn truyền tải thông điệp: Muốn khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực phát triển giúp đất nước vươn mình, thì trước hết chúng ta phải có một cơ chế vận hành thông minh, linh hoạt, hiện đại. Khi những chính sách đưa ra chính xác, phù hợp sẽ biến tiềm năng thành hiện thực. Nhưng nếu không quyết liệt tháo gỡ những “điểm nghẽn”, mọi nỗ lực vẫn chỉ dừng lại ở những báo cáo trên giấy. Đã đến lúc hành động ngay, làm mạnh, làm nhanh và làm đến cùng./.
NTMM