Thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp đến, nhiều người hám lợi nắm bắt được nhu cầu mua, sử dụng pháo hoa của người dân, đã lợi dụng các hình thức để kinh doanh pháo trá hình. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự. Để đảm bảo an ninh, trật tự, bình yên khi Tết đến, Xuân về, xin thông tin và hướng dẫn đến người dân một số quy định về quản lý và sử dụng pháo, như sau:
1. Khi sử dụng pháo hoa, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa
- Quy định về pháo được phép sử dụng (pháo hoa), cụ thể: Là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ (khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo).
Phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ
- Quy định về các trường hợp được sử dụng pháo hoa: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật (khoản 1 Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP).
- Quy định về điều kiện được sử dụng pháo hoa: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (2) khi sử dụng pháo hoa, chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP).
2. Các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng và các cá nhân kinh doanh pháo hoa là vi phạm quy định của pháp luật; người dân tuyệt đối không được mua pháo của các cơ quan, tổ chức không được phép kinh doanh, các cá nhân hoặc trên các trang mạng xã hội, pháo lậu, pháo không hóa đơn, không nguồn gốc, xuất xứ…
Công an tỉnh Lâm Đồng vừa triệt phá 01 chuyên án, bắt nhóm đối tượng mua bán, tàng trữ 600 kg pháo nổ
Quy định về sản xuất, kinh doanh pháo hoa đã được nêu rõ tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, trong đó quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường (khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP).
Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy. Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
3. Cá nhân, tổ chức không được phép sử dụng pháo nổ, nếu sử dụng pháo nổ là vi phạm; người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh những vi phạm đáng tiếc
Công an thành phố Thanh Hóa bắt giữ các vụ buôn bán, sản xuất pháo nổ
Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng pháo nổ, theo đó, pháo nổ bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Còn Pháo hoa nổ là pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (theo quy định tại Điều 11 và Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP); các cơ quan, tổ chức sử dụng pháo hoa nổ để biểu diễn, thi đấu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ sản xuất, cung cấp (Điều 9 Nghị định 137/2020/NĐ-CP)./.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an