Vì vậy, qua các thời kỳ, để tạo cơ sở pháp lý cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, Nhà nước ta luôn chú trọng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như: Nghị định số 246/ CP ngày 17/5/1958, Nghị định số 175/CP ngày 11/12/1964, Nghị định số 33/CP ngày 24/02/1973, Nghị định số 94/CP ngày 02/7/1984, Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996... Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011. Việc nghiên cứu, ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi, bổ sung năm 2019
Trước yêu cầu của tình hình mới, Bộ Công an đã nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 50/2019/QH14 ngày 25/11/2019). Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành đã thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh những vấn đề trọng yếu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu giúp Chính phủ triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả bào đảm các quy định của luật được đi vào cuộc sống, cụ thể: (1) Bộ Công an đã nghiên cứu hoàn thiện 01 Nghị định, 04 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong thực hiện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; (2) Đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp uỷ chính quyền chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia phối hợp với lực lượng Công an trong công tác tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương, địa phương tổ chức tuyên truyền; tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông tại địa bàn cơ sở; xây dựng các mô hình điểm thực hiện tốt công tác vận động thu hồi và phòng chống tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, đổi mới với nhiều hình thức, nội dung, biện pháp phong phú phù hợp với đặc điểm từng khu vực, vùng miền, địa bàn cơ sở như: “Đổi quà cho người dân để thu hồi súng tự chế và vũ khí, công cụ nguy hiểm”, “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tuyên truyền vận động và phát phiếu khai báo toàn dân về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”... nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo được sự đồng thuận và tích cực tham gia của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
|
Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Lâm Đồng tổ chức chương trình “Đổi vũ khí lấy lương thực” mang lại hiệu quả tích cực trong công tác thu hồi VK-VLN-CCHT
Kết quả, trong 05 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp số lượng lớn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cụ thể: 99.689 khẩu súng các loại (trong đó có 3.005 súng quân dụng), 17.860 bom, mìn, lựu đạn, 3.762.871 kg thuốc nổ, 46.416 kíp nổ, 25.056 công cụ hỗ trợ, 98.895 vũ khí thô sơ... Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý, tập huấn, huấn luyện về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đảm bảo chặt chẽ, hạn chế thấp nhất tình trạng mất, thất lạc vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ra ngoài xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; (3) Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, đã chủ động nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; tổ chức tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kết quả, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát hiện, bắt giữ 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, thu 4.975 khẩu súng các loại.
Có thể khẳng định, qua 05 năm tổ chức thực hiện Luật đã góp phần tích cực trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nên đã tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo những quy định của Luật thực sự đi vào cuộc sống, được xã hội và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn, xã hội.
Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chương trình “Đổi vũ khí lấy lương thực” mang lại hiệu quả tích cực trong công tác thu hồi VK-VLN-CCHT
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thi hành Luật đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế hiện nay trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, như:
(1) Trong 05 năm triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ 28.715 vụ, 48.987 đối tượng sử dụng trái phép, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao, trong đó: Vũ khí quân dụng 330 vụ, 546 đối tượng (chiếm 1,1% tổng số vụ, 1,1% tổng số đối tượng); Vật liệu nổ 246 vụ, 373 đối tượng (chiếm 0,8% tổng số vụ, 0,7% tổng số đối tượng); Công cụ hỗ trợ 978 vụ, 1.375 đối tượng (chiếm 3,4% tổng số vụ, 2,8% tổng số đối tượng); Súng tự chế 1.783 vụ, 2.589 đối tượng (chiếm 6,2% tổng số vụ, 2,8% tổng số đối tượng); Vũ khí thô sơ 8.537 vụ, 17.632 đối tượng (chiếm 29,7% tổng số vụ, 36% tổng số đối tượng).Dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng. Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân; trong khi đó, các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt nhưng khi phát sinh mâu thuẫn đối tượng sẵn sàng sử dụng dao để tấn công nạn nhân nhằm giải quyết mâu thuẫn. Thực tế quá trình điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí. Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng; các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng gây án gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng nhưng quá trình xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
(2) Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang có 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo các loại giấy tờ liên quan đến hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy tờ tuỳ thân của người đến liên hệ. Do đó, để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thì cần thiết phải cắt giảm các loại giấy tờ trên trong hồ sơ thủ tục hành chính và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Bộ Công an.
(3) Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước cho, tặng, viện trợ một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
(4) Một số quy định về việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa phù hợp với thực tiễn như: Một số quy định về nghiên cứu, sản xuất vật liệu nổ chưa phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Quy hoạch năm 2017; chưa có quy định về việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam; giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 01 lượt vận chuyển và chưa có quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp... nên trong quá trình quản lý của các cơ quan chức năng và thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
|
Ủy ban Quốc phòng và an ninh họp thẩm tra Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới thì cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với những chính sách mới, đó là:
(1) Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới; quy định quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại dao có tính sát thương cao;
(2) Cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, sửa đổi các quy định liên quan đến cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp;
(3) Cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng;
(4) Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tham dự Phiên họp mở rộng, thẩm tra Dự án Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi) của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh
Bộ Công an giao Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì, phối hợp với các Cục nghiệp vụ, cơ quan hữu quan xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ngày 13/6/2024, tại Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật, trong đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, dự thảo Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (dự kiến bấm nút thông qua ngày 29/6/2024). Dự án Luật được Quốc hội thông qua và sớm có hiệu lực thi hành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong tình hình mới./.
Thu Hương