|
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dữ liệu. |
Cần thiết ban hành Luật Dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu
nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công
tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển
Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh
tế, xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa
quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ
thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng
giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn
hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng
thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số
quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. |
Việc xây dựng dự án luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn
trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực
hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ
liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội,
góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các cá nhân vi phạm
pháp luật. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận
hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu
quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tham
khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý dữ liệu của một số nước, phù hợp
với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng
khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc
gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý
Nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan đến hoạt động về dữ liệu. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.
Dự thảo luật được Chính phủ xây dựng với 7 chương, 67 điều, quy định
về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa
học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ
liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm dịch vụ về
dữ liệu. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, các nội dung quy định
trong dự thảo luật cơ bản bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách đã
được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong giai đoạn lập
đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu; thể chế đúng quan điểm đường lối, chính
sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính
phủ số, xã hội số…
Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu tại phiên họp, Chủ
nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc
phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với
những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của
Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm các yêu cầu theo quy định của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội
thảo luận, cho ý kiến.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. |
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ
sung một số quy định cụ thể về chiến lược dữ liệu quốc gia trong dự thảo
Luật để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện.
Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản
nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính
Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn
lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia. Đồng thời
đề nghị làm rõ về các nguồn tài chính hình thành Quỹ; quy định rõ những
hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ Quỹ,
bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị làm rõ nguồn lực bảo đảm cho
hoạt động thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp
quốc gia; nghiên cứu bổ sung quy định cho phép các tổ chức, cá nhân
khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu
cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia
sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ.
|
Các đại biểu dự phiên họp. |
Về Trung tâm dữ liệu quốc gia, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị rà
soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của
Trung tâm dữ liệu quốc gia; làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai
xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; đồng thời có thêm báo cáo làm rõ
các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh
nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.
Về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thị trường dữ liệu và sàn
giao dịch dữ liệu, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với các
quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thị trường dữ liệu
và sàn giao dịch dữ liệu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đây là những nội
dung đang được điều chỉnh bởi một số luật liên quan như: Luật Giao dịch
điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn
thông và đặc biệt là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Do đó, đề
nghị cân nhắc, làm rõ mối quan hệ giữa các quy định của dự án Luật này
với quy định của các luật hiện hành và dự án Luật Công nghiệp công nghệ
số để phân định phạm vi điều chỉnh bảo đảm phù hợp, tránh chồng chéo.
Đây là lĩnh vực mới, đặc thù, để có sự quản lý chặt chẽ, bảo đảm an
ninh, an toàn thì có thể cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ
liệu. Do đó, trước mắt không cần thiết quy định quá chi tiết trong luật
này mà giao Chính phủ tổ chức triển khai thí điểm và có báo cáo Quốc
hội.