Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có biểu hiện liên quan “tín dụng đen”

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ tập trung phần lớn ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, điển hình như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Tổ công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nguồn Internet)

Qua công tác theo dõi, nắm tình hình, thực tế vẫn có một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhận cầm cố tài sản không có nguồn gốc hoặc tài sản do phạm tội mà có, cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu hoặc không cầm cố tài sản, cho vay tiền với lãi suất cao gấp nhiều lần so với quy định của Bộ Luật dân sự (dưới dạng “tín dụng đen”), hoạt động chưa có giấy phép nhưng vẫn hoạt động trá hình theo hình thức “cho vay, hỗ trợ tài chính”… gây mất ANTT, dẫn đến các hoạt động phạm pháp như: bảo kê, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản; sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn đe doạ, đòi nợ bằng các hành vi gây phản cảm, phiền nhiễu, ảnh hưởng đến ANTT như ném chất bẩn, chất thải, phun sơn, dán giấy đe doạ, tụ tập đông người dùng loa công suất lớn để đòi nợ; nhắn tin, gọi điện giả danh các cơ quan pháp luật để đe doạ truy tố nếu không trả nợ đúng hạn…

Lực lượng chức năng kiểm tra một kho bãi giữ xe (nguồn: Internet)

Năm 2023, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan phòng ngừa, đấu tranh đối với các cơ sở kinh doanh cầm đồ, cơ sở kinh doanh cho vay tài chính (hoặc hỗ trợ tài chính) có biểu hiện nghi vấn, có điều kiện khả năng phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về “tín dụng đen”. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH tập trung một số giải pháp sau:

(1) Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bịt kín sơ hở và tạo cơ sở pháp lý trong phòng, chống hoạt động tín dụng đen.

(2) Tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt quản lý theo chuyên ngành; phối hợp kịp thời với lực lượng Công an trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

(3) Phối hợp chặt chẽ các lực lượng nhất là lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH với lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý trong việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có liên quan đến “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm.

(4) Siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm. Kịp thời xác minh xử lý các trường hợp có dấu hiệu che dấu lai lịch, giả mạo hồ sơ trong cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; kịp thời trao đổi cung cấp thông tin, phối hợp với lực lượng điều tra, trinh sát có kế hoạch đấu tranh triệt phá với các hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ bất hợp pháp núp bóng dưới hình thức kinh doanh mua bán nợ, hỗ trợ tài chính, cho vay tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ./.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất