Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực
tiếp tại điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội,
thành phố Hà Nội, kết hợp với trực tuyến tới các điểm cầu của các cơ
quan Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và tổ chức trực
tuyến đến các điểm cầu cấp xã…
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu nội dung Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị:
|
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
"Thưa các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị tại các điểm cầu toàn quốc,
Hôm nay, mặc dù là ngày Chủ nhật nhưng Bộ
Chính trị, Ban Bí thư vẫn quyết định triệu tập Hội nghị toàn quốc để:
(1) Quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số
18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
(2) Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp
tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. (3) Các giải pháp tháo gỡ
điểm nghẽn, nút thắt về thể chế để phát triển, điều này cho thấy tính
khẩn trương, cấp bách và tầm quan trọng của những vấn đề nêu trên.
Các đồng chí đã được nghe đồng chí Phạm
Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình
hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển
kinh tế - xã hội năm 2025; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính
trị, Chủ tịch Quốc hội báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa
XV, nhất là kết quả xây dựng pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể
chế phát triển đất nước; đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí
thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương quán triệt, triển
khai các nội dung Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII "về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp
xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả". Báo cáo của ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã đề cập tương
đối cụ thể đối với từng vấn đề và tôi cho rằng các đồng chí đã hình dung
ra những việc cần phải làm trong thời gian tới tại cơ quan, đơn vị, địa
phương mình.
Thưa các đồng chí,
Từ sau Hội nghị Trung ương 10 ngày
20/9/2024 đến nay, cả hệ thống chính trị đã có những chuyển động mạnh
mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc mới nhằm tạo ra những động lực
mới, hiệu năng mới cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống
vật chất, tinh thần của Nhân dân. Trong khoảng thời gian trên, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư đã làm việc rất khẩn trương, tiến hành hơn 10 phiên họp
cho ý kiến giải quyết gần 100 vấn đề lớn theo thẩm quyền, trong đó tháo
gỡ cơ bản những tồn đọng, vướng mắc và giải quyết nhiều vấn đề mới phát
sinh. Quốc hội - Chính phủ - Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã
phối hợp triển khai rất quyết liệt, nhịp nhàng để tháo gỡ điểm nghẽn,
nút thắt, rào cản gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội, cho cuộc
sống, sinh hoạt của người dân... Những việc làm trên bước đầu đã tạo
sinh lực mới cho nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, trước
mắt là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2024 và năm
2025, tạo đòn bẩy để bứt phá, hoàn thành toàn bộ các mục tiêu Nghị quyết
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta
đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời
là: Đã đủ.
Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự
cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn
tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu
quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa.
Tôi nghĩ các phát biểu của Thủ tướng
Chính phủ, của Chủ tịch Quốc hội và của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã
làm rõ những điều trên. Tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm 3 vấn đề để các đồng
chí nghiên cứu, quán triệt:
1. Về kinh tế - xã hội:
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII
đã đề ra, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết
đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu
nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm
2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số
liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó mà chúng
ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian. Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết
những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể
"cất cánh", nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống
giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách
thể chế phát triển, thủ tục hành chính... Trước mắt cần thực hiện đồng
bộ các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của
năm 2024 và năm 2025, trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2
con số ngay từ thời gian này, đây là vấn đề chúng ta hoàn toàn có cơ sở
để làm được.
Để đạt mục tiêu này, cần tiếp tục tạo đột
phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc,
điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ,
kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Tôi ghi nhận Kỳ họp thứ 8,
Quốc hội khóa XV vừa qua bước đầu có sự đổi mới tư duy sâu sắc trong xây
dựng pháp luật, với 7 luật, 4 nghị quyết được thông qua, trong đó có 1
luật sửa 4 luật, 1 luật sửa 9 luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, phía trước
còn rất nhiều việc phải làm để khơi thông "điểm nghẽn của điểm nghẽn
này". Cần nhận thức rõ, đổi mới thể chế phát triển không chỉ là nhiệm vụ
của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ
thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực
thi pháp luật. Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm
việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh
nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc,
xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…
Các chủ trương, chính sách phát triển
kinh tế - xã hội đã khá đầy đủ. Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ
sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của
Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ "trên chính mảnh đất
của mình", phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ
quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng
góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước. Hơn lúc nào hết, đội ngũ
cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực
hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn
đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.
Tôi cho rằng ngoài nỗ lực của Đảng, Chính
phủ, Nhà nước thì rất cần sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân, phải
giải phóng sức lao động, sức sản xuất, phải huy động được nguồn vốn vật
chất và tinh thần trong Nhân dân và người dân phải cảm nhận được Nhân
dân là người hưởng thụ những thành quả đó thì mọi người sẽ chung sức
đồng lòng cùng thực hiện. Phát triển kinh tế cần gắn với giải quyết các
vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật
chất, tinh thần của Nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã
hội, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát... thể hiện rõ bản
chất tốt đẹp của chế độ ta.
2. Về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV: Đại
hội đảng các cấp từ các chi bộ cơ sở, đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh
và các cơ quan Trung ương phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong
toàn Đảng, thảo luận về tầm nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất
nước vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Các văn kiện trình Đại hội
XIV của Đảng đã được Trung ương xây dựng công phu, kỹ càng, khoa học.
Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo xây dựng
Đảng và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới đã được biên tập nhiều lần, đến
nay đã đủ điều kiện để gửi đại hội đảng các cấp đóng góp ý kiến. Dự thảo
tóm tắt 4 văn kiện này sẽ được gửi đến cấp cơ sở trước ngày 15/12/2024;
Dự thảo đầy đủ sẽ gửi đến cấp huyện, cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương
trước ngày 31/3/2025. Nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là sớm tổ chức cho
cán bộ, đảng viên, nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các Văn kiện trên.
Điều quan trọng là từ nội dung Dự thảo các Văn kiện của Đại hội XIV, cấp
ủy các cấp lấy đó làm cơ sở xây dựng nội dung báo cáo chính trị, phương
hướng nhiệm vụ công tác cho các văn kiện của cấp mình; xác định cụ thể
những mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đóng góp
vào mục tiêu chung của đất nước trong giai đoạn tới. Ban Chấp hành Trung
ương Đảng tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức đảng, các
nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân để bổ sung, hoàn
thiện các Văn kiện để trình Đại hội XIV với tinh thần Văn kiện phải bám
sát hơi thở cuộc sống, phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Văn kiện
phải trở thành "Sách giáo khoa", thành "Từ điển" để khi cần thì "tra"
vào đó và sẽ thấy ngay "ánh sáng soi đường". Hạn chế tối đa việc phải
tiếp tục ban hành các nghị quyết, chỉ thị tiếp theo để thực hiện Nghị
quyết Đại hội XIV.
Cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị
nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn,
chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được
yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học
hỏi để "nâng mình lên" để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới
của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để
người khác làm. Phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công
tác cán bộ trước Đại hội như: Người không tái cử thì giữ an toàn, thủ
thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa
mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người
thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc
dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích... Công tác
tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp ủy đảng phải thực
hiện thật nghiêm túc Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng, của
pháp luật về công tác cán bộ.
3. Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị:
Như Tôi đã đề cập trong một số bài viết, bài nói, đây là vấn đề rất cấp
bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước vì
đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này,
đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay. Điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và
thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề
ra. Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh
gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm
tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy dù đã được chuẩn bị kỹ,
bài bản như báo cáo của đồng chí Lê Minh Hưng và nhiều hướng dẫn thực
hiện công tác này đã được gửi tới các đồng chí nhưng chắc chắn việc
triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực
cản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe
mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu
thuật khối u".
Tôi đề nghị các cấp, các ngành từ Trung
ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực
hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách
mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là
vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về
chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Các đồng chí cán bộ lãnh
đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt
trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp
hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp
huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".
Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ
quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong
tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung
ương Phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
trong quý I/2025.
Triển khai thực hiện khẩn trương nhưng
bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ
tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước
ngoài... để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy tối ưu nhất. Thực hiện
nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao
một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình
trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực;
các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề
xuất sắp xếp lại bên trong; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian;
cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả
các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân
quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng
phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công... Yêu cầu
chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay;
không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không
để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động
bình thường của xã hội, của người dân...
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với
tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực
ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ
học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc
không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt,
những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước
là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém. Với yêu cầu cao hơn khi
triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ
trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức. Từng cơ quan, đơn vị phải thực
hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán
bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp
xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không
để phát sinh phức tạp. Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ
nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị
thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự
cần thiết); tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 01/12/2024 cho đến
khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung
ương. Đề nghị cấp ủy các cấp quán triệt, thực hiện tốt nội dung này.
Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở
chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự
thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận
trong Nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy
trong tình hình mới. Đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái,
thù địch, xuyên tạc việc thực hiện chủ trương này; xử lý nghiêm các
trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh
hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức.
|
Quang cảnh Hội nghị. |
Thưa toàn thể các đồng chí,
Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn
trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh
cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm
hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân. Tôi
đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở có mặt tại Hội nghị hôm nay
phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân,
tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm
việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt
phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại
hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV
của Đảng.
Chúc các đồng chí mạnh khỏe và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!