Sáng ngày 03/7/2025 tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an Việt Nam, Đoàn đại biểu Tổng cục Căn cước Campuchia do Đại tướng TOP NETH, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Căn cước đến thăm và làm việc tại Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Đại tá Trần Hồng Phú – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì đón đoàn
Đón tiếp và làm việc với đoàn, Đại tá Trần Hồng Phú – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, đã giới thiệu về cơ sở vật chất của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, chia sẻ những thành tựu, kinh nghiệm trong quá trình triển khai hai dự án: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, cùng với quá trình thực hiện Đề án 06/CP về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Trung tá Trần Duy Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm – đã trực tiếp giải đáp các vấn đề mà đoàn Campuchia quan tâm, gồm:
(1) Kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý: Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú và quy trình cấp căn cước công dân, đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, thuận tiện cho người dân và chính quyền.
(2) Hiệu quả triển khai các dự án dữ liệu dân cư: Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư 02 dự án, Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyên trách, đồng thời tổ chức triển khai quyết liệt, tiết kiệm hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư, theo nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Đến nay, toàn quốc đã thu thập, cập nhật vào hệ thống trên 105 triệu thông tin dân cư, đồng thời đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc, đây có thể xem là danh tính điện tử của công dân, là chìa khóa để kết nối các dữ liệu, góp phần giảm phiền hà trong thực hiện các thủ tục, giấy tờ liên quan đến công dân.


Bộ Công an Việt Nam đã triển khai “chiến dịch” thu nhận hồ sơ cấp 50 triệu căn cước công dân có gắn chíp điện tử và thực hiện trong vòng 6 tháng, đến nay đã cấp được trên 106 triệu thẻ căn cước công dân và trả tận tay người dân. Quy trình cấp thẻ Căn cước công dân đã được cải cách hành chính tối đa, theo đó công dân không phải kê khai các loại giấy tờ kèm theo - đây là bước cải tiến quan trọng, góp phần giảm phiền hà, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Bộ Công an Việt Nam đã triển khai bố trí hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ tăng cường cho địa bàn cơ sở, đồng thời, đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc, đây có thể xem là danh tính điện tử của công dân, là chìa khóa kết nối các dữ liệu.
Bộ Công an cũng đã chỉ đạo thiết kế, xây dựng xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư với thiết kế bảo đảm an toàn thông tin cấp độ 4 đối với thông tin quan trọng quốc gia và sẵn sàng tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương thông qua trục tích hợp quốc gia (NGSP) và Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống Bản đồ số là “bộ não” của Trung tâm dữ liệu, trong đó xây dựng giải pháp phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình dân cư để góp phần hoạch định các chính sách kinh tế an ninh, quốc phòng theo từng giai đoạn.
(3) Triển khai định danh điện tử và ứng dụng VNeID: Việt Nam đã phát triển tài khoản định danh điện tử theo 2 mức độ, với tính năng xác thực sinh trắc học hiện đại. Việc định danh công dân trên môi trường điện tử của Việt Nam đáp ứng theo tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới hiện nay. VNeID đến nay đã đạt được số lượng người sử dụng hầu hết phổ cập đến người dân Việt Nam được cấp, song song với đó nhiều tiện ích thiết thực được triển khai như: Các cổng dịch vụ công, thủ tục hành chính chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID đăng nhập để thực hiện; cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID (đã tiếp nhận 580.012 hồ sơ); xử lý vi phạm hành chính sử dụng thông tin bằng lái xe, đăng ký xe; Căn cước điện tử được chấp nhận trong nhiều giao dịch, thủ tục như xuất trình đăng ký lên tàu bay, đăng ký tạm trú, xác nhận cư trú trên VNeID,... và nhiều tiện ích khác được sự ủng hộ của người dân, xã hội.
Bộ Công an đã triển khai nhiều tiện ích trên VNeID như: Lý lịch Tư pháp (đã tiếp nhận 580.012 hồ sơ), Căn cước điện tử, xử phạt vi phạm giao thông sử dụng các giấy tờ đăng ký xe, giấy phép lái xe trên VNeID, tích hợp xác thực với các dịch vụ tài chính, ngân hàng; chuyển đổi sử dụng tài khoản định danh duy nhất khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, đăng ký tạm trú (với 435.772 lượt đăng ký), thường trú (263.429 lượt đăng ký) trên VNeID. Tích hợp thông tin giấy tờ như đăng ký xe (đã tích hợp 7.104.823 giấy chứng nhận), giấy phép lái xe (đã tích hợp 19.190.775 giấy phép), người phụ thuộc (với 1.626.903 trường hợp), thẻ bảo hiểm y tế (đã tích hợp 25.727.401 thông tin).
Bộ Công an đã triển khai định danh điện tử cho người nước ngoài, sẵn sàng thu nhận hồ sơ từ ngày 01/7/2025 và đang tiếp tục phát triển định danh cho trẻ em. Đối với định danh tổ chức, đến nay đã thu nhận được 671.065 hồ sơ đăng ký và có 494.505 hồ sơ đã đạt yêu cầu. Việc định danh dựa trên các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có với nguyên tắc gắn mỗi cá nhân, tổ chức với một danh tính điện tử duy nhất trên môi trường mạng đảm bảo chính xác, an toàn, tiện lợi.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm
Kết thúc buổi làm việc, Đại tướng TOP NETH đánh giá cao những thành tựu mà Bộ Công an Việt Nam, đặc biệt là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã đạt được trong công tác quản lý dân cư, định danh, xác thực điện tử và chuyển đổi số. Đại tướng TOP NETH bày tỏ mong muốn tiếp tục được trao đổi, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới để học hỏi và vận dụng các mô hình hiệu quả vào thực tiễn của Campuchia.
Ban Biên tập