Đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Bộ Công an có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ và cán bộ làm công tác pháp chế; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) có đồng chí Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị. Tại điểm cầu Công an các đơn vị, địa phương có đại diện lãnh đạo Công an các địa phương và cán bộ làm công tác pháp chế thuộc Công an các địa phương.
Đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và các đại biểu dự Hội nghị
Báo cáo tổng quan về nhiệm vụ xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đồng chí Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an nêu rõ: Trong năm 2023, Bộ Công an đã hoàn thành 88 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, trình Quốc hội thông qua 4 luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 nghị quyết, trình Chính phủ ban hành 6 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định; chủ trì, phối hợp liên ngành ban hành 3 thông tư liên tịch, ban hành theo thầm quyền 71 thông tư. Các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự được xây dựng, ban hành đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương xây dựng lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an năm 2024, các đơn vị cần tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an nghiên cứu xây dựng, ban hành 145 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 10 dự án luật, 19 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 thông tư liên tịch, 113 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an.
Đồng chí Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phát biểu tham luận tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương đã trình bày tham luận về những khó khăn, thuận lợi, cũng như kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Phát biểu tham luận về nội dung“Kết quả nghiên cứu, nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua”, đồng chí Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã nêu rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn thi hành yêu cầu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); những kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc qua 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đồng thời báo cáo, đánh giá kết quả xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Cục trưởng cho biết, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, hiệu quả trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua theo đúng kế hoạch đề ra, trong đó: (1)Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra vào ngày 19/3/2024; (2)Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trước ngày 30/3/2024; (3)Trình hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến, trước ngày 15/4/2024; (4)Trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Hiện nay, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đang tham mưu xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và 02 Thông tư hướng dẫn gồm: Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư quy định về biểu mẫu và trình tự cấp, cấp lại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ để kịp thời triển khai khi Luật có hiệu lực.
|
Đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận, biểu dương Công an các đơn vị, địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua. Các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự được xây dựng, ban hành đã thể chế hoá được các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, đề nghị Công an các đơn vị, địa phương nắm vững các quan điểm chỉ đạo, những vấn đề mang tính chiến lược về công tác xây dựng pháp luật xác định tại các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 19 ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong tâm năm 2024.
|
Toàn cảnh Hội nghị
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị Công an các đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng các dự án Luật cần quyết liệt hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, chủ động, tích cực, tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án luật, nghiên cứu kỹ lưỡng, dự đoán, đánh giá được những tình huống khó khăn phát sinh trong quá trình thẩm định, thẩm tra, thông qua các dự án luật để chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ sớm có phương án giải quyết. Tờ trình, dự thảo luật, báo cáo đánh giá tác động, tổng kết thi hành pháp luật trong hồ sơ dự án luật phải được chuẩn bị đầy đủ số liệu, diễn đạt rõ ràng, lập luận sắc sảo, thuyết phục. Bên cạnh việc soạn thảo luật, phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết luật kèm theo để trình; chấm dứt tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng không thi hành được do phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết.
Đối với nhiệm vụ xây dựng 135 văn bản dưới luật theo chương trình năm 2024, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ soạn thảo, tham gia ý kiến các văn bản quy phạm pháp luật của đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành để phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập và kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác./.