Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về tăng cường công tác phòng ngừa, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân - một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và tội phạm, thời gian qua, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Quản lý hành chính Công an các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó Công an tỉnh Thanh Hóa là một trong những đơn vị điển hình với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần giữ vững an ninh, trật tự tại cơ sở.
Xác định rõ đây là nội dung công tác trọng tâm, mang tính “đột phá”, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH đã hướng dẫn Công an Thanh Hóa tăng cường công tác nắm tình hình, xử lý triệt để các vụ mâu thuẫn còn tồn đọng và chủ động phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn mới phát sinh. Trên cơ sở chỉ đạo, Công an cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đã rà soát, phân loại toàn bộ các vụ mâu thuẫn thành hai nhóm:
(1) Các vụ có thể giải quyết tại cơ sở;
(2) Các vụ vượt quá thẩm quyền cần đề xuất phối hợp giải quyết. Việc đánh giá, phân loại đúng ngay từ đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, xử lý và kiểm soát tình hình mâu thuẫn trong nhân dân.
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06) Công an Thanh Hóa tăng cường vai trò của lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an viên thường trực trong công tác nắm địa bàn, quản lý cư trú, tiếp xúc trực tiếp với người dân để kịp thời phát hiện các mâu thuẫn phát sinh từ đời sống thường nhật, từ các vấn đề dân sinh như giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách xã hội, quan hệ dân sự – kinh tế, các hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên, đối tượng có tiền án, tiền sự, các vụ “vỡ hụi, phường”… Đặc biệt, yêu cầu cập nhật đầy đủ hồ sơ, quy trình xử lý các vụ mâu thuẫn lên phần mềm quản lý, bảo đảm minh bạch và thuận tiện trong theo dõi, đánh giá.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với chính quyền, đoàn thể, các tổ hòa giải cơ sở cũng được đặc biệt chú trọng. Với sự tham mưu sát sao của lực lượng Công an, đến nay 100% thôn, phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có Tổ hòa giải hoạt động hiệu quả. Vai trò của người có uy tín, chức sắc tôn giáo, trưởng bản, già làng được phát huy tối đa trong việc vận động, thuyết phục nhân dân giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa giải, tránh manh động, bạo lực.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho nhân dân về trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cũng được triển khai đồng bộ, từ đó góp phần định hướng dư luận, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa mâu thuẫn chuyển hóa thành các hành vi vi phạm pháp luật.
Với sự chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ các giải pháp, hiệu quả đạt được rất rõ nét: Số vụ phạm tội có nguyên nhân từ mâu thuẫn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm mạnh qua từng năm. Cụ thể:
- Năm 2023 ghi nhận 48 vụ giết người, 667 vụ cố ý gây thương tích;
- Năm 2024 giảm còn 26 vụ giết người, 439 vụ cố ý gây thương tích;
- 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn 8 vụ giết người và 101 vụ cố ý gây thương tích.
Đối với các vụ việc mâu thuẫn kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, Cục C06 đã chỉ đạo tổ chức hội nghị hội ý nghiệp vụ, yêu cầu từng đơn vị đánh giá lại cụ thể tình hình, làm rõ nguyên nhân, phân công rõ trách nhiệm. Kết quả, đến tháng 12/2024, toàn tỉnh còn 21 vụ mâu thuẫn kéo dài (giảm 76% so với thời điểm đầu năm); đến tháng 6/2025 chỉ còn 11 vụ việc chưa được giải quyết do đang chờ phán quyết từ Tòa án.
Qua thực tiễn triển khai tại Thanh Hóa, có thể khẳng định: Việc tổ chức tốt công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân không chỉ góp phần kéo giảm tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân với lực lượng Công an, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ tiếp tục chỉ đạo, nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả từ Công an tỉnh Thanh Hóa đến các địa phương trên cả nước, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân – một trong những nhiệm vụ cơ bản, lâu dài trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội./.
Ban Biên tập