Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác
phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong
Công an nhân dân (CAND) phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như công
tác của ngành Công an, nhất là triển khai Đề án 06 và trách nhiệm cung
cấp dịch vụ công trực tuyến đối với người dân, Công an tỉnh đã tập trung
chỉ đạo thực hiện nhất quán, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, tạo được
hiệu ứng lan tỏa, sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai và tổ chức
thực hiện, đặc biệt tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” về pháp lý, hạ
tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn thông
tin, nguồn lực… góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06 theo lộ
trình đề ra.
Thông qua việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, nhận thức của
người dân trên địa bàn tỉnh về tiện ích của Đề án 06 được nâng lên rõ
rệt. Người dân đã chủ động đến Cơ quan Công an để thực hiện cấp căn cước
và cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; thực hiện dịch vụ
công trực tuyến; đăng nhập bằng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ
công trực tuyến từ ngày 01/7/2024.
Dưới sự tham mưu tích cực của Công an tỉnh, tỉ lệ thực hiện 25 dịch vụ
công thiết yếu theo Đề án 06 của tỉnh Hải Dương tăng cao, đến ngày
16/9/2024 đạt 93%. Toàn tỉnh có 1.753.222/1.758.498 người có căn cước
công dân (CCCD)/định danh cá nhân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế
(BHYT) còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD, đạt tỉ lệ 99,7%.
100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT (285/285 cơ sở) thực hiện tra cứu thông
tin thẻ BHYT bằng CCCD, trong đó tỷ lệ tra cứu thành công đạt 98,63%. Đã
triển khai tiếp nhận thông báo lưu trú tới 100% các cơ sở khám chữa
bệnh, cho thuê lưu trú. Công tác chi trả không dùng tiền mặt đối với các
đối tượng an sinh xã hội đạt 92,83%.
|
Công
an tỉnh phối hợp thu mẫu sinh trắc ADN của mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị
Lũy (mẹ liệt sĩ Nguyễn Bá Trưng) ở xã An Sơn (Nam Sách). |
Thực hiện công tác cấp thẻ căn cước theo quy định của Luật Căn cước có
hiệu lực từ ngày 01/7/2024, với nỗ lực của lực lượng Cảnh sát quản lý
hành chính về trật tự xã hội và lực lượng Công an xã, phường, thị trấn,
đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 161.559 hồ sơ căn cước (trong đó có
61.060 hồ sơ từ 0-6 tuổi; 64.959 hồ sơ từ 6-14 tuổi, 35.540 hồ sơ từ đủ
14 tuổi trở lên). Đã cấp trên 1,5 triệu tài khoản định danh điện tử,
trên 1,2 triệu tài khoản đã kích hoạt.
Thực hiện thông báo về việc sử dụng Giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID
và thay đổi hình thức xử lý vi phạm tạm giữ, tước giấy phép lái xe trên
môi trường điện tử, đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp trên
địa bàn tỉnh đã tạm giữ 296 giấy phép lái xe, tước 62 giấy phép lái xe
trên ứng dụng VNeID.
Cũng trên ứng dụng VNeID, Công an Hải Dương đã tiếp nhận tin báo, tố
giác tội phạm trung bình đạt trên 64%. Việc thường xuyên thu thập, làm
sạch dữ liệu dân cư đã phục vụ tốt công tác phòng, chống tội phạm trên
địa bàn tỉnh.
Ngày 16/8/2024 vừa qua, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh phối
hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thu thập, lấy
mẫu AND đối với 27 thân nhân của 22 liệt sĩ chưa xác định danh tính
trên địa bàn tỉnh. Hiện Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp với Sở Lao
động thương binh và xã hội tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và UBND cấp
huyện rà soát, thống kê thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định được
danh tính và nhân thân gia đình có liệt sĩ chưa xác định được thông tin
hài cốt có thể thu mẫu đối sánh; cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư theo diện “thân nhân liệt sĩ” đảm bảo “đúng, đủ,
sạch, sống”. Đây là một trong những mô hình điểm trong thực hiện Đề án
06 của tỉnh Hải Dương giai đoạn hiện nay. Thực hiện hiệu quả mô hình này
là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác minh và đưa liệt
sĩ về đoàn tụ với thân nhân và quê hương, đáp ứng niềm mong mỏi của
thân nhân gia đình các liệt sỹ.
Thời gian tới, Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ Đề
án 06, chủ động tổng hợp, đánh giá tiến độ, khối lượng công việc để tập
trung hoàn thành đúng lộ trình đề ra, trong đó tập trung đánh giá nội
dung làm sạch dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành. Chỉ đạo Công an cấp
huyện, cấp xã làm tốt công tác quản lý địa bàn, rà soát nhân khẩu, quản
lý khai thác phần mềm chặt chẽ, đúng quy định, hiệu quả, đảm bảo an
ninh, an toàn hệ thống. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các mặt công tác
quản lý hành chính về trật tự xã hội nói chung và các mặt công tác cảnh
sát khu vực nói riêng nhằm nâng cao chất lượng công tác; phục vụ hiệu
quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương cũng như
công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đáp
ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.