Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

 Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng là đại diện các bộ, ngành, đơn vị trong Công an nhân dân. 

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì cuộc họp

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN & CCHT. Theo đó, dự thảo Nghị định cơ bản kế thừa Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN & CCHT năm 2017; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau: 

(1) Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) đã bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm và biện pháp bảo đảm an toàn đối với sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng dao có tính sát thương cao. Việc quy định trên nhằm cụ thể hoá nội dung tại Điều 74 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó, giao Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung này theo quy định của Luật từ ngày 01/01/2026.

(2) Về đối tượng áp dụng (Điều 2) đã bổ sung quy định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng dao có tính sát thương cao bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

(3) Bổ sung 02 điều (Điều 4, Điều 8) quy định về các hành vi bị nghiêm cấm và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.

(4) Bỏ quy định điều kiện nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các tổ chức doanh nghiệp khác được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí vì các nội dung này đã được quy định cụ thể trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

(5) Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng (Điều 16).

Phát biểu thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến về thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ  khí; quy định về đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước và điều khoản thi hành; các hành vi bị nghiêm cấm và các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao...

Các đại biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cảm ơn các đại biểu đã phát biểu tham gia ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm vào hồ sơ dự thảo Nghị định. Để việc xây dựng Nghị định đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương đề nghị các đồng chí Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, như sau:

Một là, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập phải tiếp tục bám sát và thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Nghị định phải thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết và đảm bảo chất lượng để trình Chính phủ trước 15/10/2024.

Hai là, sau cuộc họp này, đề nghị các đồng chí thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định để Thường trực Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực này.

Ba là, để nội dung dự thảo Nghị định bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn, có tính khả thi cao, ngoài sự tham gia ý kiến của các bộ, ban, ngành có liên quan đề nghị Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần lấy ý kiến tham gia các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực này; đồng thời, tổ chức tuyên truyền các chính sách mới của Nghị định trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và mọi công dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến.

Bốn là, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là cơ quan thường trực phối hợp chặt chẽ với Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến tham gia của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự họp ngày hôm nay để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định báo cáo lãnh đạo Bộ duyệt, ký gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 20/9/2024; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định và hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ trước ngày 15/10/2024 theo quy định.

Năm là, đề nghị Công an các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch xây dựng Nghị định tổ chức thực hiện nghiêm túc đảm bảo chất lượng, đúng lộ trình đề ra; kịp thời báo cáo, đề xuất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện./.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất