Tham dự buổi họp báo có các đồng chí Lê Tấn Cận, Thứ trưởng Bộ Tài
chính; đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam;
đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Hoàng Đạo
Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Thanh
Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan
|
Phó
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Công bố Lệnh
của Chủ tịch nước đối với 9 Luật vừa được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
thông qua. |
Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Thanh Hà đã công bố các lệnh của Chủ
tịch nước công bố các luật gồm: Luật Dữ liệu; Luật Phòng, chống mua bán
người (sửa đổi), Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và
CNCH); Luật Công đoàn, Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Công chứng; Luật
Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán,
Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật
Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá
nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Quy
hoạch đô thị và nông thôn.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng
Bộ Công an đã trình bày những nội dung cơ bản của 03 luật do Bộ Công an
chủ trì soạn thảo, gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật
PCCC và CNCH; Luật Dữ liệu. .
Theo đó, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) (Luật số
53/2024/QH15) gồm 8 chương, 63 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày
1/7/2025. Luật đã bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa
đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các
nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để
xác định nạn nhân. Đồng thời, bổ sung chế định đối với người đang trong
quá trình xác định là nạn nhân, bổ sung những quy định nâng cao chế độ
hỗ trợ đối với nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay, phù
hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như thời
gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ
quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán.
Ngoài ra, Luật bổ sung các quy định để phù hợp với quy định của Hiến
pháp năm 2013, các luật liên quan và thực tiễn công tác phòng, chống mua
bán người thời gian qua như bổ sung một số quyền, nghĩa vụ của người
đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; bổ sung quy định về
bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; người
thân thích của họ; hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước và trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống mua bán người; hoàn thiện quy
định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người…
|
Thiếu
tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày những nội dung
cơ bản của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật PCCC và CNCH,
Luật Dữ liệu. |
Luật PCCC và CNCH (Luật số 55/2024/QH15) gồm 8 chương, 55 điều; quy
định về PCCC, CNCH, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động
và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân có liên quan trong hoạt động PCCC, CNCH. So với Luật Phòng cháy và
chữa cháy, Luật PCCC và CNCH đã bổ sung quy định cụ thể các hoạt động
CNCH có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân; bổ sung
nhiều quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác
PCCC; bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện an toàn PCCC cho một số
đối tượng nhà, công trình cụ thể là điều kiện an toàn PCCC đối với nhà
ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; bổ sung các quy định cụ thể, bao
quát hơn về PCCC điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy định cụ
thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thiết bị
điện và đơn vị bán lẻ điện trong việc hướng dẫn về bảo đảm an toàn sử
dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất; cắt giảm 8 nhóm thủ tục hành
chính... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Luật PCCC
và CNCH chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Luật Dữ liệu (Luật số 60/2024/QH15) gồm 5 chương, 46 điều; quy định
về dữ liệu số, xây dựng, phát triển, bảo vệ quản trị, xử lý, sử dụng dữ
liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia,
sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số, quản lý nhà nước về dữ liệu số, quyền,
nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
hoạt động về dữ liệu số. Luật Dữ liệu là luật mới và được xác định là
đạo luật gốc, quy định, điều chỉnh toàn diện đối với các hoạt động liên
quan đến dữ liệu. Luật quy định dữ liệu là tài nguyên, nhà nước có chính
sách huy động mọi nguồn lực để làm giàu dữ liệu, phát triển dữ liệu trở
thành tài sản, quyền của chủ sở hữu dữ liệu đối với dữ liệu là quyền
tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự. Một trong những nội dung
quan trọng của Luật Dữ liệu là quy định về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu
tổng hợp quốc gia.
Cụ thể, Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được xây dựng phục vụ việc
xây dựng phục vụ việc khai thác, sử dụng chung đáp ứng hoạt động của cơ
quan Đảng, nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị-xã hội; phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công,
phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, phục vụ công tác thống kê,
hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh
tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cơ yếu, đấu tranh phòng,
chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật, phục vụ nhu cầu khai thác, sử
dụng, ứng dụng dữ liệu của tổ chức, cá nhân. Luật cũng quy định về các
sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu và giao Chính phủ quy định chi
tiết để quản lý đối với tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến
dữ liệu. Luật cũng quy định những nội dung cơ bản của sàn dữ liệu, các
nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ quy định tại nghị định... Luật Dữ liệu
chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.