Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật năm 2025

Tại hội nghị, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, đã trình bày báo cáo tổng quan về nhiệm vụ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và công tác tuyên truyền các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trong năm 2025.

Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự được xây dựng và ban hành đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đồng thời phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Năm 2024, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV thông qua 08 luật, 01 nghị quyết (02 luật phối hợp với Bộ Quốc phòng), trong đó có nhiều luật khó, nội dung mới, thể hiện bước đột phá tư duy trong công tác lập pháp, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, đơn giản hóa, cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành 20 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 97 Thông tư.

Các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự được xây dựng, ban hành đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương xây dựng lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, Bộ Công an còn tích cực phối hợp với các bộ, ngành tham gia xây dựng nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư khác có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an, trong năm 2025, Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 05 dự án, gồm: Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), xây dựng hơn 130 văn bản quy phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các đơn vị đang tiếp tục tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành mới để phù hợp với chủ trương sửa đổi Hiến pháp, thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy tổ chức của Bộ Công an và việc thực hiện các nhiệm vụ mới chuyển từ các bộ, ngành về Bộ Công an…

Đồng chí Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính

về trật tự xã hội phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có những phát biểu về chuyên đề: “Kết quả nghiên cứu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia”. Đồng chí Đại tá Ngô Như Cường - Phó Cục trưởng khẳng định, muốn xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng tình hình hiện nay, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính cần nhận thức đúng đắn các vấn đề:

Có quyết tâm chính trị: Người đứng đầu đơn vị có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu, khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ắch tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện chức trách. Nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số theo hướng ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ làm, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, dễ giám sát.

Văn bản quy phạm pháp luật phải hướng tới chuyển đổi số, chuyển giao hoạt động lên môi trường số, áp dụng trí tuệ nhân tạo.

Về nhân lực: có cơ chế đột phá thu hút nhân tài, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, có kiến thức, có kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo trong xây dựng văn bản pháp luật cũng như triển khai thi hành, đáp ứng nhu cầu của chuyển đổi số. Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số không chỉ là giúp cán bộ chiến sĩ làm chủ công nghệ mà còn phải thay đổi cả tư duy, hiểu đúng về giá trị con người trong từng khâu chuyển đổi số của đơn vị.

Chuyển đổi số là một quá trình không thể tránh khỏi, mở ra nhiều cơ hội, thách thức. Các giải pháp tăng cường ứng dụng chuyển đổi số như: đầu tư hạ tầng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới, xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ và tăng cường công tác tuyên truyền sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Đồng thời, đồng chí cũng nêu ra những khó khăn, thuận lợi cũng như kinh nghiệm trong quá trình xây dựng pháp luật gắn với việc thực hiện Đề án 06/CP, Nghị quyết 57-NQ/TW, cũng như tính cấp thiết của việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình mới.

Kết luận hội nghị, đồng chí Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Công an các đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng các dự án Luật cần quyết liệt hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, chủ động, tích cực, tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật. Đồng thời, các đơn vị cần tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền đối với các văn bản quy phạm pháp luật từ khi dự thảo đến khi ban hành và sau khi có hiệu lực. Qua đó, nhằm đưa các chính sách của pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân, để người dân hiểu, ủng hộ và thực hiện có hiệu quả./.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

EMC Đã kết nối EMC