Về góc độ pháp lý, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố (Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện).
Hiện nay, trên cả nước đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đang quản lý 25.101 cơ sở với 36.646 người làm nghề. Năm 2022, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tiến hành kiểm tra 14.466 lượt, phát hiện 2.143 vụ vi phạm, trong đó truy tố 9 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2.111 vụ với số tiền gần 10 tỷ đồng, thu hồi 99 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Dựa trên số liệu có thể thấy rằng, mặc dù công tác quản lý được quy định chặt chẽ, nhưng thực tiễn công tác quản lý ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho thấy đây là ngành, nghề có nhiều phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng hoạt động kinh doanh để có các hành vi vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, khách hàng tìm tới cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ gồm nhiều thành phần, mục đích là cầm cố tài sản lấy một khoản tiền tạm thời để giải quyết công việc cá nhân. Các mặt hàng đem đến cầm cố hết sức đa dạng từ xe đạp, điện thoại di động, máy tính xách tay… cho đến xe máy, ô tô, giấy tờ nhà đất. Qua tìm hiểu ở một số cửa hiệu cầm đồ có thể thấy bất cứ món tiền nào được xuất ra khỏi hiệu cầm đồ cũng cần một tài sản khác đưa vào thế chấp. Tài sản được thế chấp có giá trị cao gấp hai, gấp ba lần giá trị tiền vay. Phần lớn các cửa hiệu cầm đồ, lãi suất được tính tương đối cao, thậm chí rất cao tùy từng mức vay. Điều đáng nói, số lượng sinh viên đến cầm đồ khá đông. Khi không còn máy tính xách tay hay điện thoại, máy ảnh để cầm cố, có sinh viên bí tiền “cắm” cả thẻ sinh viên để lấy vài trăm nghìn đồng. Nắm bắt được tâm lý của cá nhân cần tiền gấp, nhiều chủ hiệu cầm đồ lợi dụng điều này “hét” lãi suất cao hoặc hạ giá tài sản cầm cố, buộc người cần tiền phải đồng ý...
Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ tung ra nhiều hình thức quảng cáo, mời chào cho vay “tín dụng đen”. Cá biệt, có nơi còn có chương trình ưu đãi như, chỉ cần chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước công dân, thẻ sinh viên, bằng lái xe là có thể vay “nóng” một khoản tiền dưới 10 triệu đồng. Đồng nghĩa với việc chấp nhận vay tiền với lãi suất rất cao. Ví dụ khi mang một chiếc điện thoại di động được thỏa thuận cầm với mức giá 10 triệu đồng; lãi suất tính 10 nghìn đồng/triệu đồng/ngày. Với cách tính lãi suất như vậy, chỉ riêng một chiếc điện thoại đã cho thu về một triệu đồng sau 10 ngày. Đó là còn chưa kể tới trường hợp quá hạn trả mà người vay không có đủ cả vốn lẫn lãi, chủ cửa hiệu cầm đồ sẽ tính lãi với mức cao hơn nhiều. Chỉ sau một thời gian ngắn số tiền lãi của những người đi cầm cố phải trả đã bằng trị giá của tài sản thế chấp. Không có tiền trả lãi, đương nhiên người vay tiền phải chấp nhận mất tài sản.
Trước thực trạng nêu trên, để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về ANTT đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở, nhân viên kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quần chúng Nhân dân về hoạt động cho vay trong giao dịch dân sự; thông báo những phương thức, thủ đoạn lợi dụng cầm đồ núp bóng “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường v.v… để người dân nâng cao cảnh giác. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác kiểm tra, xử lý triệt để những vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các cơ sở kinh doanh không có đầy đủ giấy tờ pháp lý, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, kinh doanh nhưng không treo biển hiệu (cầm đồ không phép trá hình), cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, cầm cố tài sản với số lượng lớn v.v…/.