Thực hiện Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện về an ninh, trật tự (ANTT) đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trong suốt quá trình hoạt động. Những quy định đơn giản hóa về thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP đã góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký, hoạt động kinh doanh của các cơ sở; tạo hành lang pháp lý để cơ quan Công an có điều kiện thực hiện công tác quản lý phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác lợi dụng lĩnh vực kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về ANTT.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã có sự chuyển biến tích cực; các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật; việc tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện và sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo được chất lượng và có tính chuyên nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp có sự nâng cao về nhận thức trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ngay trong doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp đứng chân, hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực, tích cực phối hợp tốt với cơ quan Công an địa phương, các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điển hình như: Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ Long Hải, Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ Ngân hàng Á châu, Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ Bình An...Hiện nay, lực lượng Công an đang quản lý 2.742 cơ sở kinh doanh với 64.510 người làm nghề trên toàn quốc. Lực lượng Công an đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở kinh doanh về tình hình ANTT liên quan, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ; chú trọng cảnh báo các loại tội phạm, tệ nạn xã hội thường xảy ra và có xu hướng gia tăng theo các giai đoạn trọng điểm trong năm; tập trung hướng dẫn các cơ sở kinh doanh cách thức chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên tuần tra kiểm soát cơ quan, trụ sở, nhà máy, công trường, khu công nghiệp... Vận động cán bộ, công nhân viên tại các cơ quan, đơn vị chấp hành các nội quy, quy định, nâng cao ý thức cảnh giác và phối hợp, hỗ trợ cơ quan Công an tham gia truy bắt tội phạm và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương và địa bàn cơ sở.
Qua công tác quản lý và theo dõi cho thấy, công tác huấn luyện đào tạo, tự đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ đã đảm bảo về chất lượng và nội dung; quá trình đào tạo được thực hiện bài bản, khoa học, có nhiều sáng tạo đổi mới, nhiều cơ sở kinh doanh đã mời giảng viên của các đơn vị chuyên môn như: Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH ... trực tiếp giảng dạy. Qua đó trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên dịch vụ bảo vệ ngày càng được nâng cao, góp phần hiệu quả hơn trong thực hiện nhiệm vụ tại các mục tiêu.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh; chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, điều phối và trực tiếp phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ trong thời gian tới./.