Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh nội dung trên trong phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về Đề án 06 của Chính phủ và Chuyển đổi số quốc gia.
Chiều 12/7, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, đã diễn ra Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ.
Các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ công tác thực hiện Đề án 06 đồng chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm các mô hình phát triển từ Đề án 06, chuyển đổi số
Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các thành viên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, một số tập đoàn, doanh nghiệp liên quan đến viễn thông, công nghệ thông tin. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Chính phủ, trực tuyến đến các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2023
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự ấn tượng trước những kết quả của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023. Thủ tướng khẳng định, muốn thực hiện hiệu quả Đề án 06, chuyển đổi số thành công hơn nữa, các bộ, ngành, địa phương phải có chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, bố trí con người để thực hiện.
Thủ tướng biểu dương trong thời gian qua các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là Tổ Công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã triển khai tích cực các nhiệm vụ. “Tổ Công tác thực hiện Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương triển khai nhằm phục vụ nhiệm vụ gì, đó chính là phục vụ con người, đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, chủ thể, động lực cho sự phát triển” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo tham dự Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, dữ liệu phục vụ con người nhưng phải luôn làm giàu dữ liệu từ con người mới có được những tham số chất lượng để nâng cao hơn nữa công tác cải cách hành chính, môi trường cạnh tranh quốc gia trong điều kiện hiện nay. Từ chủ trương, đến chương trình, kế hoạch, dự án, bố trí kinh phí, nguồn lực, con người phải làm bài bản, rất tích cực.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm dữ liệu, tạo lập và đem lại những giá trị lớn về dữ liệu, Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được triển khai rất nhanh, dù đi sau nhưng lại về trước và so với nhiều nước trên thế giới chúng ta có kết quả tương đối tốt. Trên cơ sở đó, chúng ta áp dụng xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm, cơ sở dữ liệu lớn, đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách.
“Muốn phục vụ con người tốt thì phải có dữ liệu tốt, thực hiện đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Tại hội nghị này, các đại biểu cần đánh giá trong 6 tháng vừa qua những phần việc đã làm tốt, kết quả nào chưa tốt, đồng thời phân tích rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm”- Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị
Đề cập sâu đến công tác xây dựng, tạo lập nên những giá trị của dữ liệu trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hiện Chính phủ đang triển khai những công việc gấp rút để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn. Thủ tướng lưu ý, bộ, ngành và địa phương nào cũng phải có cơ sở dữ liệu, đồng thời phải tích hợp lại, phát huy tối đa những tiện ích, dữ liệu kết nối, làm giàu dữ liệu chuyên ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
Đặt câu hỏi các bộ, ngành, địa phương có vướng mắc gì trong quá trình triển khai, Thủ tướng yêu cầu cần phải báo cáo rõ những vướng mắc đó là gì, phải đánh giá cụ thể và cần làm những gì trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số gắn với Đề án 06. Theo Thủ tướng, Đề án 06 giải quyết những thủ tục hành chính cơ bản, liên quan đến con người, phục vụ kinh tế - xã hội, chống tham nhũng, tiêu cực nhất là tham nhũng vặt.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong quá trình thảo luận, các đại biểu cần tập trung nêu ra giải pháp để làm tốt hơn trong thời gian tới. “Trong 6 tháng vừa qua có những bước tiến quan trọng và 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn nữa. Năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022, theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó nhiệm vụ chuyển đổi số phải đi trước, đi sớm” - Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Đề án 06 đã giúp Nhà nước tiết kiệm khoảng 2.505 tỷ đồng
Báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương trong khuôn khổ Hội nghị Sơ kết 6 đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ diễn ra chiều 12/7, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, qua thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo ấn tượng trước những kết quả trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số
Theo đánh giá của Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, từ sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số và Đề án 06 ngày 25/2/2023 đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ; Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tập trung đôn đốc các bộ, ngành, nhằm mục tiêu “Xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm”.
Với nhiệm vụ xây dựng nền hành chính văn minh, Bộ Công an đã số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội để cắt giảm các thủ tục hành chính, giúp người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ. Với ứng dụng VNeID hoàn toàn có thể để người dân tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành xác thực, không cần đều tư nhiều cho các bộ trong số hóa.
Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia với tỷ lệ cao, hàng năm, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng. Cụ thể, một số thủ tục hành chính tiết kiệm như thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình tiết kiệm 479,09 tỷ đồng; thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tiết kiệm 280,9 tỷ đồng….).
Tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa như: CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn…, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, người dân hạn chế đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2023
Những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra giá trị cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, như: Việc đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền đã giúp Chính phủ truy thu được 485 tỷ đồng tiền thuế.
Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và CCCD gắn chip, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, điển hình: Làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng; xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả với 141,7 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt; ứng dụng tài khoản VNeID mức độ 2 với hành khách đi máy bay; xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD tại các cơ sở khám chữa bệnh, giảm quy trình 4 bước xuống còn 2 bước, thời gian trung bình xác thực là 6-13 giây, giúp người dân tiết kiệm thời gian làm thủ tục…
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số và phát triển kinh tế cho các tập đoàn, tổng công ty, như: Phân tích, đánh giá dữ liệu người lao động, nghề nghiệp để phục vụ hoạch định chính sách. Ứng dụng CCCD, VNeID mức độ 2 để các tập đoàn, tổng công ty nghiên cứu, triển khai các giải pháp trong kiểm soát khách hàng, cắt giảm chi phí in ấn những loại vé, giấy tờ, thẻ hội viên…
Về công tác phòng, chống tội phạm, quá trình thực hiện Đề án 06 bằng việc sử dụng CCCD, VNeID tạo lập tài khoản và giám sát được việc thu thuế. Ứng dụng dữ liệu dân cư, xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro. Phục vụ cho vay tín chấp đối với công dân yếu thế, phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen”. Xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng “sim rác” hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa. Xác thực CCCD gắn chip, đối chiếu khuôn mặt, giải quyết tình trạng thi hộ, tráo người trong thi cử…
Cùng với việc chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh 8 nhiệm vụ chung và 33 nhiệm vụ cụ thể với lộ trình hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2023. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, những nhiệm vụ cần các bộ, ngành tập trung triển khai gồm: Số hóa tạo lập dữ liệu ngành Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội trên nền tảng dữ liệu dân cư để tiết kiệm chi phí; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18 ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.
Ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử để thúc đẩy chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, tổng công ty theo Thông báo kết luận số 240 ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội… trên VNeID, tạo tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 3.0) trong tháng 9/2023; nghiên cứu, xây dựng mô hình chuẩn về các tiêu chí, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin của một địa phương phải thực hiện để các địa phương khác nghiên cứu, đề xuất kinh phí triển khai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục đôn đốc các địa phương đăng ký kinh phí, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn các đơn vị về quy trình, thủ tục đầu tư dựa trên mô hình chuẩn./.
Nguồn: Báo CAND