Để hiểu rõ hơn về những tiện ích mà Luật Căn cước mang lại cho người dân, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công an nhân dân (PV Báo CAND).
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH , Bộ Công an.
Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, đến thời điểm này, trên cả nước đã hoàn thiện thủ tục cấp căn cước cho bao nhiêu trường hợp? Quá trình cấp căn cước theo Luật Căn cước có những khó khăn, thuận lợi như thế nào so với trước đây?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực (01/7/2024) đến ngày 01/8/2024, chỉ trong vòng 01 tháng, Bộ Công an đã triển khai thực hiện cấp căn cước gắn chip cho tổng cộng 2.195.938 trường hợp trên cả nước, trong đó đối với công dân từ đủ 14 tuổi đã cấp 736.304 trường hợp. Quá trình thực hiện, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, trong đó quy trình cấp căn cước so với trước đây có điều chỉnh, bổ sung, ví dụ như: Mở rộng các đối tượng cấp; bổ sung thêm thông tin sinh trắc học mống mắt (bắt buộc) và ADN, giọng nói (khi công dân có nhu cầu); bổ sung thêm nội dung cấp Giấy chứng nhận cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch... Những nội dung mới này đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành, đồng thời phải nghiên cứu, đầu tư các giải pháp công nghệ, hạ tầng kỹ thuật để triển khai theo đúng yêu cầu, quy định của Luật Căn cước.
Tuy nhiên, với tinh thần "vì nhân dân phục vụ" và trước đó, Bộ Công an đã có kinh nghiệm triển khai cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ công dân trên 14 tuổi đủ điều kiện (khoảng trên 80 triệu người) với các chiến dịch "thần tốc", quyết liệt, khoa học và hiệu quả nên khi triển khai Luật Căn cước, Công an các đơn vị, địa phương đã kịp thời điều chỉnh và bắt tay vào thực hiện chủ động, hiệu quả. Đến nay cơ bản đã hoàn thành các nội dung đáp ứng các yêu cầu của luật đề ra, sẵn sàng phục vụ nhân dân.
PV: Một trong những nội dung mới nổi bật của Luật Căn cước là cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi. Quá trình cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi bước đầu đã có những kết quả ra sao và lứa tuổi này sẽ sử dụng căn cước trong những trường hợp như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi bước đầu có kết quả như sau: Đối với công dân dưới 6 tuổi khi thực hiện thủ tục cấp căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Người đại diện hợp pháp của công dân thực hiện thủ tục cấp căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia VNeID. Đến nay đã cấp được căn cước cho 770.549 trường hợp.
Đối với công dân từ đủ 6 đến dưới 14 tuổi, khi thực hiện thủ tục cấp căn cước cần phải đi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện quy trình cấp căn cước do phải thu nhận sinh trắc học. Kết quả đến nay đã cấp căn cước cho 689.085 trường hợp. Đối với người dưới 14 tuổi, thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân của công dân được sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính đảm bảo đầy đủ quyền lợi của công dân theo quy định. Một số trường hợp cụ thể sẽ sử dụng căn cước trong các thủ tục đi lại (đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh…
Cán bộ chiến sỹ Cục Cảnh sát QLHC về TTXH thu nhận hồ sơ Căn cước đối với công dân dưới 14 tuổi
PV: Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam cũng là một nội dung mới của Luật Căn cước. Hiện, trên cả nước chúng ta đã cấp bao nhiêu giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng này và giấy chứng nhận căn cước có ý nghĩa như thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Tính từ ngày 01/7/2024 đến 01/8/2024, Bộ Công an đã cấp 172 giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Giấy chứng nhận căn cước này rất có ý nghĩa, tiện ích vì là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
Công dân đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận Căn cước
PV: Cũng từ ngày 01/7/2024, mỗi người dân sẽ được cấp một căn cước điện tử. Đồng chí cho biết căn cước điện tử mang lại những tiện ích gì cho công dân và cho mục tiêu xây dựng Chính phủ số nói chung?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Từ ngày 01/7/2024, việc cấp căn cước điện tử cho mỗi người dân mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho công dân và góp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử hiện đại, minh bạch, hiệu quả như:
Đối với công dân, việc cấp căn cước điện tử tạo tiện lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch ngân hàng, y tế và nhiều dịch vụ công khác một cách dễ dàng, nhanh chóng, bảo mật thông tin cá nhân, giảm nguy cơ bị mất hoặc lạm dụng thông tin. Bên cạnh đó, căn cước điện tử có thể tích hợp nhiều chức năng khác nhau như chữ ký điện tử, thẻ bảo hiểm y tế và các dịch vụ công khác.
Đối với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, việc cấp căn cước điện tử góp phần hiện đại hóa quản lý, giúp các cơ quan Nhà nước hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn; giúp giảm bớt các thủ tục giấy tờ, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân và cơ quan Nhà nước; dữ liệu chính xác và kịp thời khi hệ thống căn cước điện tử giúp các cơ quan Nhà nước có thể thu thập và quản lý dữ liệu dân cư một cách chính xác và kịp thời, từ đó hỗ trợ việc ra quyết định và xây dựng chính sách.
Thu nhận mẫu ADN Mẹ Việt Nam Anh hùng phục vụ việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
PV: Đáng chú ý, mới đây Bộ Công an đã triển khai tích hợp dữ liệu thông tin ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân với Cơ sở dữ liệu căn cước nhằm phục vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin... Đồng chí có thể cho biết những thông tin cụ thể liên quan đến nội dung này?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Thực hiện Luật Căn cước, Thông báo số 28 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ năm 2023, Bộ Công an đã đề xuất Chính phủ về chủ trương thực hiện phân tích mẫu ADN cho toàn bộ thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN của thân nhân liệt sĩ, để đối sánh, tìm kiếm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (dự kiến thực hiện mỗi gia đình là 2 mẫu với tổng thân nhân khoảng 1 triệu mẫu) trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
Ngày 23/7/2024, tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt ngân hàng GEN (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ đã cùng đại diện các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành trung ương và thân nhân gia đình liệt sĩ đã bấm nút kích hoạt ngân hàng GEN và Thủ tướng chỉ đạo, giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Với kho dữ liệu lớn của toàn bộ thân nhân này, chúng ta có thể tin tưởng rằng việc tìm kiếm và xác minh danh tính hài cốt liệt sĩ sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính trong lực lượng CAND. Công an các đơn vị địa phương đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội các tỉnh để thực hiện đồng loạt triển khai rà soát, xác minh và xác định thân nhân theo dòng mẹ của liệt sĩ để tiến hành thu mẫu theo kế hoạch. Riêng đối với các tỉnh/ thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bộ Công an đã phối hợp với địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức lễ ra quân tại địa phương về việc thu mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ và tri ân, tặng quà nhân ngày 27/7. Kết quả thực hiện đã thu được hơn 200 mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.
PV: Thời gian tới đây, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị cũng như kế hoạch như thế nào để nâng cao hiệu quả của việc triển khai Luật Căn cước vào cuộc sống, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương: Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm số hóa, kết nối, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu căn cước các dữ liệu thông tin chuyên ngành có liên quan theo đúng quy định của Luật Căn cước. Đồng thời, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cũng tham mưu đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, nhằm phục vụ nhân dân hiệu quả, nhanh chóng hơn; tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh các ứng dụng của dữ liệu dân cư, thẻ căn cước, định danh và xác thực điện tử gắn liền với cuộc sống; hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Căn cước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!.
Mai Hanh