Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

Sáng 28/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023. Trong đó, có nội dung xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng.

Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 8 trong năm 2023. Theo chương trình, phiên họp xem xét, cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm: Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về trình tự, thủ tục trình các Luật, báo cáo; sự cần thiết ban hành; nguyên tắc, yêu cầu xây dựng các Luật, báo cáo; đồng thời thảo luận về các chính sách của Luật, các nội dung trong báo cáo, nhất là các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau.

Về đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), do Bộ Công an chủ trì xây dựng, các đại biểu tập trung thảo luận về các chính sách: Hoàn thiện các khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp…

Kết luận nội dung này, phân tích sự cần thiết ban hành Luật, Thủ tướng nêu rõ, một số quy định liên quan quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn nằm ở một số văn bản dưới luật; cần được luật hóa theo yêu cầu của Hiến pháp.

Về cơ sở thực tiễn, qua 5 năm triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật nêu trên là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu đề nghị bảo đảm tính thống nhất, khả thi và hiệu quả của các quy định.

Đặc biệt về công tác quản lý Nhà nước, phân cấp, phân quyền đối với hoạt động quảng cáo, nhất là đối với các nội dung có sự giao thoa; việc tăng diện tích, thời lượng quảng cáo trên ấn phẩm báo chí; quản lý quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới; quản lý nội dung quảng cáo; thủ tục hành chính quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình...

Bên cạnh đó, từ đầu nhiệm kỳ tới nay Chính phủ đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền gần 130 văn bản, Chính phủ ban hành 116/129 văn bản; tuy nhiên vẫn nợ đọng 13 văn bản...

Về nội dung này, Thủ tướng cho rằng thời gian tới, công việc thường xuyên ngày càng nhiều; nhiều tồn tại, vướng mắc cần xử lý; nhiều vấn đề phát sinh cần có pháp luật điều chỉnh. Trong khi, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện để mở đường cho các đột phá khác. Số lượng văn bản quy định chi tiết ngày càng nhiều, nội dung khó, phức tạp. Do đó, các Bộ, ngành, cơ quan phải khẩn trương xây dựng để đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành 13 văn bản nợ đọng; bên cạnh đó, chuẩn bị ban hành với 71 văn bản trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các Bộ, ngành, cơ quan đã tích cực chuẩn bị, trình các đề nghị xây dựng luật, báo cáo; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; đồng thời đánh giá cao ý kiến trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu tại phiên họp; yêu cầu các Bộ trưởng của Bộ chủ trì chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự thảo báo cáo theo quy định.

Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, báo cáo theo phân công.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan trình trong việc hoàn thiện, trình văn bản; bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế trong việc giải phóng, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, Thủ tướng yêu cầu cần kịp thời xây dựng, hoàn thiện pháp luật, không để ách tắc kéo dài gây bức xúc xã hội; nâng cao chất lượng ban hành văn bản pháp luật; rà soát, phân cấp, phần quyền và cá thể hóa trách nhiệm mạnh hơn nữa; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí tuân thủ pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tiếp xúc giữa con người với con người; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời Thủ tướng yêu cầu, Bộ, ngành, cơ quan nào chưa giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, trong tháng 9 phải phân công xong và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành, cơ quan phải bố trí đủ cán bộ có năng lực; bảo đảm đủ nguồn lực, thời gian, công sức cho công tác xây dựng pháp luật.

Các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng pháp luật phải phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và Quốc hội; lắng nghe ý kiến của các đối tượng mà pháp luật điều chỉnh; lắng nghe, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình xây dựng pháp luật; thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất