Chiều ngày 27/10/2023, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 tháng 10/2023.
Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì cuộc họp
Tham dự cuộc họp có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an...
Báo cáo tại cuộc họp nêu rõ, công tác triển khai Đề án 06 trong tháng 10 tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp đã có báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06/CP và rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Luật giao dịch điện tử năm 2023. Đồng thời, các bộ, ngành đã hoàn thành nhiệm vụ ban hành các Thông tư có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận tại cuộc họp
Ngoài ra, đối với nhóm tiện ích giải quyết thủ thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến nay, các bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa đối với 388/1.086 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 36%, tăng 13 thủ tục hành chính so với tháng 9/2023).
Đối với 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ban hành ngày 4/4/2022 tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Trong đó, tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 10/10/2023, đã có 03/05 dịch vụ công thiết yếu được tôn vinh là dịch vụ công trực tuyến xuất sắc năm 2023 (gồm dịch vụ công Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 02 dịch vụ công Thông báo lưu trú; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông của Bộ Công an).
Các đại biểu tham luận tại cuộc họp
Cùng với đó, việc nhóm tiện ích phát triển kinh tế, xã hội tiếp tục được đấy mạnh, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu hồ sơ khách hàng cho Ngân hàng (CIC) tổng số 42 triệu dữ liệu theo hình thức offline và online qua API đối với những hồ sơ khách hàng phát sinh mới trong tháng; Cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho: 03 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobifone) với 132,39 triệu yêu cầu xác thực theo hình thức trực tuyến; 05 nhà mạng viễn thông (ASIM, ITEL, Vietnamobile, Gtel Mobile, Mobicast) theo hình thức offline yêu cầu xác thực…
Bên cạnh đó, đối với nền tảng căn cước công dân gắn chip, đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật như: Trong lĩnh vực y tế, tính đến ngày 16/10/2023, 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip với 49.610.467 lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh sử dụng bảo hiểm y tế.
Tham luận tại cuộc họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai có hiệu quả Đề án trong thời gian tới như: Những giải pháp tháo gỡ về hạ tầng, công nghệ và kinh phí trong triển khai Đề án 06; hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay; đẩy mạnh tích hợp sổ bảo hiểm xã hội trên VneID…
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Tổ công tác đề án 06 đã đạt được trong thời gian qua. Để việc triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt được những hiệu quả, lợi ích tốt hơn nữa cho xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị thành viên Tổ Công tác thuộc Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm của 16 bộ, ngành, đặc biệt 11 bộ, ngành có tỷ lệ đơn giản hóa thủ tục hành chính theo 19 Nghị quyết đạt dưới 50% (gồm: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn hóa Thể thao và Du lịch) tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2023, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có lộ trình khẩn trương thực hiện đơn giản hóa đối với 698 thủ tục hành chính còn lại.
Đối với 02 dịch vụ công liên thông, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về 02 dịch vụ công liên thông; chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 02 nhóm dịch vụ công liên thông, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả. Điều chỉnh, nâng cấp Cổng dịch vụ công Quốc gia, phần mềm dịch vụ công liên thông để thuận tiện cho người dân trong quá trình đăng nhập, kê khai trên phần mềm dịch vụ công liên thông.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương tập trung xây dựng hạ tầng, phần mềm của Bảo trợ xã hội, đặc biệt là hệ thống phần mềm của Cục người có công đảm bảo kết nối thông suốt để đảm bảo xử lý hồ sơ dịch vụ công liên thông. Đồng thời, Bộ Tư pháp khẩn trương tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính và công bố danh mục các thủ tục hành chính được cắt bỏ, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử để người dân trực tiếp theo dõi, giám sát...
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an