Ngày 18/4/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch số 173/KH-BCA thực hiện giải pháp trọng tâm, đột phá về nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, khoa học, dự báo chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ công tác Công an. Hội nghị được truyền hình trực tiếp từ điểm cầu Hội trường Bộ Công an đến hội trường Công các địa phương.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&CN…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phát biểu tham luận tại Hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề như xác định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận, khoa học, dự báo chiến lược và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào các mặt công tác Công an đối với các đơn vị, địa phương.
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tham luận về công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) đặc biệt chú trọng đến đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn công tác, góp phần cải cách hành chính công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Những kết quả đáng tự hào có thể kể đến như: Phát động chiến dịch thực hiện song hành 02 Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân. 02 Dự án công nghệ thông tin tầm cỡ quốc gia với nhiều hạng mục công việc lớn, được triển khai từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và hơn 11.000 xã, phường, thị trấn.
Phát huy hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tham mưu cho Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 triển khai Đề án 06 về “Phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, làm nền tảng quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam. Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện, đã đạt được kết quả rất quan trọng. Bộ Công an đã cung cấp tất cả 11/11 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó nhiều dịch vụ công đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, điển hình như: Ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và CCCD gắn chip để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), tiết kiệm gần 50 tỷ đồng cho học sinh; sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT trong khám chữa bệnh, thay thế thẻ ATM trong giao dịch ngân hàng… Đặc biệt, ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Cục Cảnh sát QLHC về TTXH thường xuyên tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo tầm cỡ quốc tế, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiệp vụ trong thực hiện các nhiệm vụ của Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH được Lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, tham mưu xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023 của Chính phủ. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của chuyển đổi số, giúp cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cắt giảm chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ số, nâng cao an ninh, an toàn thông tin; thu hút các cơ quan hành chính nhà nước và doanh nghiệp tham gia sử dụng; trở thành điểm trung chuyển, kết nối, lưu trữ, xử lý và điều phối thông tin, dữ liệu ở cấp quốc gia và tiến tới khu vực, quốc tế…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức phổ biến và quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 173 của Bộ. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu lý luận, khoa học, dự báo chiến lược và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và các mặt công tác Công an trong tình hình hiện nay…
Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu tham dự Hội nghị
Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ Cục Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ duy trì, đẩy mạnh thực hiện các nội dung sau: tiếp tục quán triệt cho cán bộ, chiến sỹ nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phát triển khoa học và công nghệ; chỉ đạo của Bộ Công an về Chiến lược phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ CAND; Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai các phần mềm lớn trong phạm vi toàn ngành, thống nhất, xuyên suốt từ Bộ tới Công an cơ sở; tập trung đề xuất xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, sửa đổi Nghị định 96 về quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, Nghị định số 99 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo để tạo hành lang pháp lý và làm cẩm nang cho lực lượng cơ sở thực hiện đáp ứng với yêu cầu thực tiễn hiện nay; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn nghiệp vụ song phải có kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT), đảm an ninh, an toàn thông tin số, bảo vệ an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước… Tăng cường phối hợp hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ với các Cục nghiệp vụ, Trường Công an nhân dân, nhất là với Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài bởi đây là khâu đột phá, tạo nền tảng trong công tác đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính. Những ứng dụng CNTT trong công tác không chỉ nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, mà còn hướng tới lấy người dân là trung tâm phục vụ, mang lại những tiện ích, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp./.