Đầu tháng 8 vừa qua, tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID chính thức được áp dụng để làm thủ tục đi máy bay, thay cho căn cước công dân (CCCD) vật lý, tại các tất cả sân bay ở Việt Nam. Có thể coi đây là cột mốc quan trọng, ý nghĩa trong hành trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nói riêng và mục tiêu "Chính phủ số" nói chung.
Nhân dịp này, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an, để làm rõ thêm một số vấn đề.
Thưa Thiếu tướng, trong những ngày đầu tài khoản định danh điện tử mức 2 được chấp nhận thay thế CCCD vật lý để làm thủ tục đi máy bay, bên cạnh những phản hồi tích cực, cũng có nhiều phản ánh rằng sử dụng ứng dụng VNeID không được nhanh, thời gian check-in (làm thủ tục) bằng CCCD vật lý nhanh hơn so với ứng dụng, ông có thể lý giải về vấn đề này?
- Những phản ánh trên, bản thân tôi cũng như các cán bộ của Cục C06 đã nắm được. Khi so sánh, sử dụng CCCD vật lý khi làm thủ tục có thể sẽ mất ít thời gian hơn, vì ứng dụng VNeID yêu cầu phải nhập mật khẩu khi muốn truy cập.
Nhưng tại sao lại cần mã khóa? Đó là bảo mật. Càng nhiều mã khóa, độ bảo mật càng cao. Nhiều người dân chưa quen với ứng dụng hoặc không nhớ mật khẩu sẽ dẫn đến mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ứng dụng VNeID cũng như hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư đang ở giai đoạn đầu. Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục cải thiện, ví dụ như chỉ cần quét nhận diện khuôn mặt là có thể xác nhận danh tính, không cần mở ứng dụng, đồng thời tăng tốc độ nhận diện.
Vậy còn những phản ánh về việc ứng dụng VNeID không ổn định, khó đăng nhập thì sao, thưa Thiếu tướng?
- Thông qua các cơ quan báo chí, đường dây nóng của Cục C06, chúng tôi tiếp nhận nhiều ý kiến về việc ứng dụng VNeID chưa được tiện ích, người dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân có thể nằm ở những lý do như: Điện thoại đời cũ, không tương thích với ứng dụng; hệ thống mạng, đường truyền yếu; người dân chưa thông thạo các thao tác dẫn đến bị nhầm...
Bên cạnh đó, nếu người dân đăng nhập vào ứng dụng vào khoảng thời gian 19-21h, có thể cũng sẽ bị chậm, khó truy cập do quá tải băng thông. Bình thường, bà con dành thời gian ban ngày để đi làm và chỉ rảnh rỗi vào khoảng thời gian trên. Khi đó, người dân trên cả nước cùng đăng nhập khiến hệ thống bị quá tải.
Trước những vấn đề trên, Cục C06 cũng thường xuyên kiểm tra lại toàn bộ quy trình hoạt động của ứng dụng, để xem đã đủ thông minh chưa, đã đem lại tiện ích chưa, có vấn đề gì cần phải chỉnh sửa không để đem lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Tài khoản định danh điện tử mức 2 được giới thiệu là có thể tích hợp nhiều giấy tờ tùy thân giúp người dân có thể "ra đường chỉ cần điện thoại". Tuy nhiên, ngoài CCCD gắn chip, các loại giấy tờ khác hiện được phản ánh khó tích hợp, nhiều lỗi. Cục trưởng có thể giải thích về nguyên do của sự cố này?
- Để thực hiện được Đề án 06, không thể độc nhất Bộ, ngành nào một mình làm được. Cần sự đồng bộ, thống nhất của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân. Vấn đề nào thuộc phạm vi chuyên môn của Cục C06 thì Cục mới giải quyết, xử lý được, còn những nội dung khác, ví dụ như giấy phép lái xe, đăng ký xe... là chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải.
Cục C06, cụ thể ở đây là Trung tâm dữ liệu dân cư sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, dữ liệu của người dân và xác thực "người này chính là người này". Tôi rất mong các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng rãi để người dân, doanh nghiệp, địa phương chia sẻ với Cục.
Về các tiện ích của tài khoản định danh điện tử mức 2 trong ứng dụng VNeID, Cục đã liên tục kiểm tra lại các quy trình, tiện tích, tính năng để đẩy thêm nhiều tiện ích. Tuy nhiên, quan điểm của Cục C06 là làm được cái gì, chắc chắn cái đấy.
Ví dụ, trong 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp, Cục tập trung vào những dịch vụ mà người dân đang cần nhất, làm thật chắc chắn. Công dân được chấp nhận sử dụng CCCD gắn chip tích hợp trong ứng dụng VNeID thay CCCD vật lý khi làm thủ tục máy bay, đó là tiện ích và tương lai sẽ là những tiện ích về an sinh xã hội, ngân hàng, thanh toán điện tử... từ đó từng bước xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Trước mắt, tiện ích liên thông trong đăng ký khai sinh, khai tử đã bắt đầu được triển khai.
Ngày xưa, sau khi sinh nở, người nhà được bệnh viện cấp một tờ chứng sinh. Sau đó, người dân phải đi sang cơ quan công an để làm lưu trú hộ khẩu, rồi sang bên tư pháp, bảo hiểm... rất nhiều bước. Khi có định danh điện tử, không cần nữa vì đã được liên thông. Mẹ sinh ra con, bệnh viện làm chứng sinh xong sẽ tự động kết nối sang công an, sang hộ tịch, bảo hiểm. Trong vài ngày, người mẹ đã có đầy đủ giấy tờ mà không cần đi đâu, không phải gặp ai, rất tiện ích.
Đặc biệt, tất cả dữ liệu của công dân đã có sẵn trong hệ thống, công chức viên chức phải làm cho người dân, không được gây phiền hà, chuyển từ cơ thế "xin - cho" thành nền "hành chính phục vụ".
Việc khai tử cũng vậy, ngày xưa cần tới trụ sở cơ quan chức năng để xóa nhân khẩu, các thủ tục mai táng... Bây giờ có định danh điện tử, chỉ cần báo một câu, hệ thống sẽ cập nhật.
Phải hiểu, muốn có tiện ích, đầu tiên cần dữ liệu, sau đó phải số hóa, đẩy lên môi trường mạng rồi kết nối với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan với nhau. Từ đó mới đến giai đoạn chia sẻ và có thể khai thác sử dụng. Tất cả cần sự đồng bộ.
Có thể nhận thấy, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại nhiều tiện ích, vậy, việc bảo mật hệ thống này ra sao, thưa Thiếu tướng? Hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi nếu xảy ra tình huống hệ thống bị chiếm quyền kiểm soát, dữ liệu người dân bị chiếm đoạt, lộ lọt, mất?.
- An ninh an toàn, bảo mật hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính sống còn. Việc này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Tổ đề án 06 cực kỳ quan tâm.
Vì vậy, từ khi có ý tưởng thiết kế về một hệ thống dữ liệu toàn dân, Bộ Công an đã tính toán đến việc bảo mật và an toàn. Động thái cụ thể ở đây là Nghị định về bảo về dữ liệu cá nhân ra đời. Ngoài ra, còn có nhiều luật khác như Luật Công nghệ thông tin.
Đó là hành lang pháp lý. Thời gian tới, Cục C06 có mong muốn Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân được nâng thành Luật. Khi thời điểm chín muồi, việc nâng Nghị định này thành Luật là tốt nhất để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Riêng với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nơi này đáp ứng yêu cầu của hệ thống thông tin quan trọng cấp 4 theo quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP. Hạ tầng cơ sở đạt chuẩn Tier 3 quốc tế.
Ngoài ra, do yêu cầu đặc thù và tính chất đặc biệt, Trung tâm đã triển khai 7 lớp bảo vệ vật lý từ ngoài trụ sở vào đến vùng trong lưu trữ dữ liệu, các lớp được xác thực bằng thông tin cá nhân CCCD, thông tin sinh trắc khuôn mặt, camera giám sát toàn hành trình và được kiểm soát bởi 3 cán bộ của Cục C06 trong suốt quy trình ra vào.
Trung tâm luôn bố trí cán bộ trực 24/24h; phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), các chuyên gia hàng đầu về an toàn thông tin trong và ngoài nước để theo dõi, giám sát an toàn, an ninh mạng.
Thực tế, tôi nắm được nhiều thông tin dư luận, báo chí về việc dữ liệu cá nhân của người dân bị rò rỉ. Cục C06 đang phối hợp với các Cục nghiệp vụ, chuyên ngành để tìm ra nguyên nhân nhằm có giải pháp ngăn chặn. Nhưng bước đầu, tôi khẳng định, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân của người dân không xuất phát từ Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong khoảng hơn 2 năm vừa qua, có 2 chiến dịch lớn là cấp mới CCCD gắn chip và kích hoạt tài khoản định danh điện tử được triển khai. Đây là 2 chiến dịch có phạm vi toàn quốc, quy mô rộng khắp. Thiếu tướng có thể chia sẻ bằng cách nào mà với số lượng cán bộ công an ở địa bàn "không đổi" nhưng vừa có thể hoàn thành 2 nhiệm vụ trên và vẫn đảm bảo những công việc cốt lõi?
- Trong khoảng hơn 2 năm vừa qua, lực lượng công an cấp xã/phường rất vất vả. Riêng về nhiệm vụ cấp CCCD gắn chip, thực hiện theo chỉ đạo, các cán bộ công an động viên người dân đi làm, có người đồng thuận, có công dân anh em đến tận nhà mà họ không làm, thậm chí chống đối. Vậy mà, các anh em vẫn phải vui vẻ.
Với sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an, cũng như sự nhiệt tình của các cán bộ công an ở cơ sở, địa phương, đến nay 99% CCCD gắn chip đã được trả cho người dân. Đây là sự cố gắng ngày đêm, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ, vị trí địa lý của anh em công an xã/phường để làm được từng cái CCCD.
Sự khó khăn trên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an hoàn toàn nắm được và rất quan tâm.
Về mặt nhà nước, Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới có yếu tố đặc biệt quan trọng trong lực lượng công an nói chung và công an cơ sở nói riêng.
Từ Nghị quyết 12, Bộ Công an xây dựng kế hoạch, triển khai tất cả sự quan tâm tới lực lượng công an, trong đó là việc đưa lực lượng chính quy xuống xã.
Về mặt tinh thần, Chính phủ, Bộ Công an, địa phương rất quan tâm về công tác chính trị tư tưởng, động viên khen thưởng kịp thời cho anh em nào có thành tích, có ý kiến, mô hình sáng tạo, hiệu quả. Từ đó trở thành căn cứ để bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, cho đi học/đào tạo...
Về vật chất, Bộ Công an có đề án riêng để bố trí đất nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho công an xã để các anh em có nơi nghỉ ngơi, ăn uống. Trước kia, lực lượng công an xã phải ở nhờ nhà dân hoặc ở ké trung tâm, nhà văn hóa của xã, không có chỗ ăn nghỉ.
Bây giờ, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, địa phương, anh em công an xã/phường đã có. Với các xã biên giới có đặc thù địa hình phức tạp, Bộ Công an cũng trang cấp ô tô, xe máy, các phương tiện công cụ hỗ trợ cho nhiệm vụ của Tổ đề án 06.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, nhân dân cũng đặc biệt quan tâm tới lực lượng công an xã/phường, nhất là lúc cao điểm. Bà con nấu cơm, ủng hộ rau quả... chính là thể hiện sự quan tâm, giúp giảm bớt phần nào đó sự khó khăn ban đầu của anh em địa bàn.
Vất vả của lực lượng công an địa bàn đã rõ, vậy, khó khăn, thử thách mà cấp lãnh đạo, cụ thể ở đây là bản thân Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, phải đối diện như thế nào, thưa ông?
- Trước khi là Cục trưởng Cục C06, tôi từng là Giám đốc Công an tỉnh. Ở từng vị trí, tôi cảm nhận sự vất vả riêng.
Là người đứng đầu một Cục, cường độ công việc là rất lớn. Ngoài các cuộc họp định kỳ, là những cuộc họp đột xuất, họp Đề án 06 của Chính phủ, họp Tổ đề án 06 của Bộ Công an...
Riêng với Đề án 06, tôi có nhiều đầu việc, mục tiêu phải tính toán, đáp ứng sao cho phù hợp thức tế.
Thứ nhất, thể chế, Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn. Đề án 06 là chưa có tiền lệ. Muốn đề án đi vào cuộc sống buộc phải có hành lang pháp lý. Cái này rất khó khăn vì nó mới.
Thứ hai, nhận thức, tư tưởng và "cái đầu". Giai đoạn đầu, nhận thức về Đề án 06 của cấp ủy, chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể và thậm chí của bản thân tôi không hề rõ ràng. Sau này, sự gia tăng về nhận thức tỷ lệ thuận với sự quyết tâm chính trị, sự quyết liệt của từ các cấp đến từng cá nhân.
Khi nhận thức được rằng Đề án 06 hiệu quả ra sao, đem lại tiện ích ưu việt gì cho người dân, cho Nhà nước, cho doanh nghiệp thì mới thành công.
Thứ ba, cơ sở vật chất. Vì chưa có tiền lệ, hệ thống máy móc, trang thiết bị từ cấp Trung ương xuống địa phương chưa thể đồng bộ, nơi có nơi không, có nơi có thì cần nâng cấp.
Thứ tư, nhân lực. Để đáp ứng được việc chuyển đổi trạng thái từ thủ công sang công nghệ số, đòi hỏi phải có con người, máy móc không thể tự làm được. Mà, con người phải được đào tạo, tập huấn với sách lược dài hạn, ngắn hạn để phục vụ trong lâu dài.
Yêu cầu nhiệm vụ càng cao thì chất lượng nguồn nhân lực phải càng chuyên sâu. Tùy theo từng cấp, từng vị trí để mình có cái tập huấn, đào tạo sao cho phù hợp.
Với đánh giá của tôi, trong 2 chiến dịch trên, chúng ta đã làm hiệu quả, làm nhanh. Dù vất vả nhưng có niềm vui là được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận. Năm 2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội được công nhận là anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Đây là danh hiệu gần như cao quý nhất, ghi nhận công sức của tất cả cán bộ Cục.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Nguồn: Báo điện tử Dân trí