Sau 2 năm thực hiện chủ trương về xây dựng Công an xã, thị trấn đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có
gần 600 cán bộ, chiến sỹ được phân công phụ trách tại 142/142 xã,
phường, thị trấn.
Là đội ngũ được đào tạo bài bản, chính quy về chuyên môn nghiệp vụ,
lực lượng CSKV luôn nhận được sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền cơ sở,
sự giúp đỡ của nhân dân, cùng với các lực lượng khác, họ đã góp phần
tạo sự chuyển biến tích cực, bình yên, an ninh trật tự trên mỗi địa bàn
phụ trách. Yêu cầu của mỗi CSKV là phải nắm chắc tình hình, hiểu rõ từng
người. Vì thế, ngoài việc xử lý công việc tại trụ sở, các anh, các chị
CSKV đã dành nhiều thời gian về với dân, giải quyết công việc cho dân.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà nhận xét:
“Các đồng chí Công an chính quy khi được phân công về xã là anh em xây
dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ gần dân, nắm
chắc tình hình, chắc địa bàn được đặt lên hàng đầu. Mọi tình hình, sự
việc xảy ra tại cơ sở đều được Công an chính quy cùng lực lượng làm ANTT
ở cơ sở giải quyết thấu đáo”.
|
Cảnh
sát khu vực, Công an xã Hòa Ninh, huyện Di Linh cùng lực lượng làm công
tác ANTT ở cơ sở nhắc nhở bà con tiểu thương không lấn chiếm vỉa hè, lề
đường. |
Tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, ngoài việc tuần tra, kiểm soát các địa
bàn trọng điểm, CSKV còn nhanh, nhạy trong giải quyết những vụ việc
ngay từ cơ sở. Từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày như tranh chấp đất đai,
gia đình bất hòa, con cái hư hỏng…, CSKV luôn có mặt để hòa giải, kịp
thời ngăn chặn, xử lý.
Ông K’ BROP - Người dân thôn Đăng S’Rôn, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng
kể lại: “Mỗi khi có sự việc xảy ra, chúng tôi sẽ gọi điện cho Công an
thôn kết hợp với Công an chính quy của xã để tham gia giải quyết. Nhanh
lắm, chỉ chừng 15 phút sau khi nghe điện thoại là các đồng chí đã có mặt
để thực hiện nhiệm vụ”.
|
CSKV Công an xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng hướng dẫn người dân ươm trồng cây cà phê. |
Tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, Trung úy Nguyễn Thị Kim Bình – Cán bộ
Công an xã Xuân Thọ được ngươi dân coi như là “người nhà”. Nhờ gần dân,
bám sát cơ sở nên nữ CSKV Nguyễn Thị Kim Bình luôn được nhân dân tin
tưởng để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, cũng như cung cấp những
thông tin có giá trị liên quan đến tình hình địa bàn. Đây là cơ sở cho
việc triển khai thực hiện công tác nghiệp vụ của ngành, cũng như vận
động người dân chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần
tạo nên một môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Trung úy Nguyễn Thị Kim Bình bộc bạch: “Tôi thấy rất may mắn khi bản
thân còn trẻ lại được trui rèn và trưởng thành từ môi trường cơ sở. Ở
đây tôi có cơ hội được gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng để
giúp đỡ và phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây cũng là dịp để tôi xây dựng
cho bản thân nền tảng vững chắc về chuyên môn nghiệp vụ cũng như được đi
sâu sát vào thực tế, từ đó có thể trải nghiệm những khó khăn, vất vả
nhưng đồng thời đi kèm với đó là những niềm vui, niềm tự hào khi thực
hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình cách trở, dân cư thưa
thớt, phân bố rải rác như xã Liêng S’hrôn, huyện Đam Rông thì việc về cơ
sở của CSKV gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, với phương châm “gần dân,
sát việc”, khi dân cần, lực lượng Công an xã luôn có mặt bất kể ngày
hay đêm. Cũng nhờ áp dụng đúng phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”,
mà CSKV ở những địa bàn này đã thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân
dân, từ đó có những tham mưu, đề xuất hợp lý cho chính quyền và các tổ
chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu,
đẩy lùi tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.
Đại úy Trần Văn Hà – Trưởng Công an xã Liêng S’Rôn, huyện Đam Rông,
kể lại: “Ở cơ sở, Công an xã là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phong
trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND xã
nhiều biện pháp trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phù
hợp với từng địa bàn như tại khu vực có đông đồng bào dân tộc Mông sinh
sống, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tội phạm về mua bán
người, phòng chống tội phạm về ma túy”.
|
Trung
úy Nguyễn Thị Kim Bình – CSKV Công an xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt vận động
các tiểu thương cảnh giác với tội phạm hoạt động tín dụng đen. |
Mấy năm trở lại đây, khi Bộ Công an triển khai thực hiện Đề án 06 của
Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác
thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm
nhìn đến năm 2030, lực lượng CSKV đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn
thành xuất sắc các phần việc của đề án. Với tinh thần khẩn trương, trách
nhiệm và phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”, lực lượng CSKV đã chủ động
thành lập các Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 đến các thôn,
tổ dân phố, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong thực hiện cập
nhật danh sách, làm sạch các dữ liệu chuyên ngành. Nhờ đó đã thu nhận hồ
sơ, cấp căn cước công dân cho 100% công dân đến độ tuổi quy định, vượt
thời gian so với chỉ tiêu Bộ Công an giao, hoàn thành cấp, kích hoạt tài
khoản định danh điện tử cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
Thượng tá Lê Thanh Sơn – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính
về trật tự xã hội, Công an tỉnh khẳng định: “Trong việc triển khai thực
hiện Đề án 06, ngoài nòng cốt là lực lượng Công an, chúng tôi đánh giá
rất cao sự nỗ lực của lực lượng Công an cơ sở, các lực lượng làm công
tác ANTT ở cơ sở và sự đồng lòng của nhân dân. Nhân dân đã ý thức rất
cao trong việc được cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cũng như cài
đặt định danh, xác thực điện tử. Chính việc này đã giúp Lâm Đồng đẩy
mạnh chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính”.
Để có thể đảm đương được công việc trong thời đại công nghệ 4.0 và sự
phát triển nhanh của xã hội, kéo theo là sự phức tạp về tình hình,
ngoài việc tự rèn luyện, tự học, lực lượng Cảnh sát khu vực Công an Lâm
Đồng luôn được Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm, tạo điều kiện
cho tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện. Không chỉ có vậy, Công an Lâm
Đồng còn ưu tiên bố trí những cán bộ có trình độ, năng lực, thông thạo
địa bàn, am hiểu văn hóa, phong tục của đồng dân tộc thiểu số để bổ sung
cho lực lượng CSKV. Đồng thời chú trọng trang cấp trang thiết bị, cơ sở
vật chất đảm bảo cho lực lượng Cảnh sát khu vực hoạt động, phục vụ hiệu
quả công tác tại địa phương.
|
CSKV Công an xã Liêng S’Rôn, huyện Đam Rông tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho các hộ đồng bào dân tộc Mông. |
Thượng tá Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Khi Luật Lực lượng tham gia bảo đảm
ANTT ở cơ sở có hiệu lực và đi vào cuộc sống, lực lượng Công an xã,
phường, thị trấn, trong đó có lực lượng Cảnh sát khu vực sẽ là những
người đi đầu trong việc hướng dẫn, phối hợp cùng lực lượng làm công tác
ANTT ở cơ sở bám, nắm địa bàn, giải quyết nhanh các vụ việc từ cơ sở. Đó
cũng là lực lượng sẽ thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ
quốc ngày một phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ
chức xã hội cùng tham gia vào phong trào”.
Lấy phương châm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, các anh, các
chị Cảnh sát khu vực đã chọn “nghiệp” vào thân, nguyện là tiền tuyến
vững chắc nhất đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở. Họ gác lại hạnh phúc riêng
tư, sắp xếp công việc gia đình để dành nhiều thời gian về với dân. Đây
không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của lực lượng Công an đối
với nhân dân, xứng đáng với danh xưng, Công an từ nhân dân mà ra, vì
nhân dân mà phục vụ.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an