Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo thì mọi hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ vận chuyển và sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo là những hành vi bị nghiêm cấm, mọi hành vi vi phạm tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các vật liệu nổ, và pháo vẫn có những diễn biến phức tạp; nhất là tình trạng nghiên cứu cách thức chế tạo, sản xuất trên mạng Internet, mua bán thông qua các trang mạng xã hội, sử dụng các dịch vụ chuyển phát để trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Hiện trường vụ nổ làm 2 học sinh tử vong, 2 học sinh khác bị thương nặng xảy ra tại huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk vào ngày 25/12/2022
Thời gian qua, lực lượng công an các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Chỉ tính trong năm 2022 đã phát hiện, bắt giữ 23 vụ, 52 đối tượng chế tạo, sản xuất vũ khí, vật liệu nổ trái phép; 96 vụ, 141 đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép. Gần đây, đã xảy ra một số vụ tự chế vật liệu nổ để gây án; tai nạn do cưa đục bom đạn, hoặc do thiếu hiểu biết nên dẫn đến tai nạn trong khi chế tạo, sản xuất trái phép, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý: Ngày 12/2/2023 đối tượng Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1985 trú tại số 115, Nam Sơn, Phường An Hưng, TP Thanh Hóa đã sử dụng vật liệu nổ tự chế gây nổ tại khu vực Cầu Sông Si (phường An Hưng); Ngày 25/3/2023 tại xã Đaklong, huyện Đăk Hà tỉnh Kontum, ông ATu (sinh năm 1967) trong khi làm rẫy đã phát hiện 01 quả đạn, sau đó mang vào nhà để cưa đục dẫn đến phát nổ, làm 02 người chết, 04 người bị thương; tại Đăklăk chỉ trong 3 tháng đầu năm đã xảy ra 02 vụ tai nạn do tự chế pháo nổ; trong đó có 01 vụ mới xảy ra ngày 22/3 tại huyện Ea Kar làm 01 em học sinh tử vong, 01 em học sinh bị thương nặng.
Thực trạng trên là vấn đề đáng lo ngại, nếu không thực hiện các giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Vì vậy, các cơ quan tổ chức và Nhân dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; phát hiện tố giác tội phạm trong lĩnh vực này với cơ quan Công an để đấu tranh bắt giữ kịp thời. Đồng thời, phát huy vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con em trước những hiểm họa do chế tạo, sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ, pháo.
Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm túc đối với các hành vi vi phạm góp phần bảo đảm an ninh trật tự và giữ gìn cuộc sống bình yên của Nhân dân./.