1. Với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trong thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm tới việc tổ chức triển khai một cách đồng bộ, thống nhất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) trong toàn lực lượng. Công tác CCHC được tiến hành trên tất cả các mặt: cải cách thể chế hành chính, cải cách bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND), cải cách tài chính công, áp dụng khoa học – công nghệ trong quản lý hành chính.
Thứ nhất, về thể chế hành chính.
Với mục tiêu đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận với các dịch vụ hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ Công an, Lãnh đạo Bộ Công an đã đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Chỉ tính riêng từ năm 2014 – 2019, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng, trình Quốc hội thông qua 15 luật, 2 nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 pháp lệnh, nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 41 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 18 quyết định; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 372 thông tư; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành 22 thông tư liên tịch. Các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng CAND trong sạch, vững mạnh, cách mạng, tinh nhuệ, chính quy, từng bước hiện đại; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự.
Thứ hai, về tổ chức bộ máy CAND.
Với phương châm hành động “chủ động, đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, lực lượng CAND đã thể hiện sự quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tập trung chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện, tạo bước chuyển biến tích cực. Sau khi rà soát, Bộ Công an đã tiến hành hợp nhất những đơn vị có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ (tổ chức triển khai từ Bộ Công an đến công an các đơn vị, địa phương). Toàn lực lượng sau khi sắp xếp lại giảm 6 tổng cục, 1 đơn vị tương đương cấp tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 22 đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh, 7 trường và 1.014 đơn vị cấp phòng1. Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai sắp xếp, tinh giản bộ máy, kết quả nêu trên đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ, ban, ngành cũng như quần chúng nhân dân ủng hộ. Khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, giảm bớt đơn vị cấp “trung gian”, làm cho bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND.
Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CAND có bản lĩnh chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ tham gia học tập các hệ đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng CAND. Trong điều kiện Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ trong quản lý, Lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng học tập nhằm nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn quy trình sử dụng các phần mềm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” nhằm rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, đặc biệt là hoạt động thanh tra hành chính, từ đó nâng cao tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thi hành công vụ.
Thứ tư, cải cách tài chính công.
Chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán của CAND được xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng tính chủ động của các đơn vị sử dụng ngân sách, phù hợp với quy định chung của Chính phủ, bảo đảm sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường việc công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách của công an các đơn vị, địa phương. Cùng với hoạt động của cơ quan kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho các đơn vị chức năng của bộ thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót cũng như xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm chế độ, chính sách tài chính, kế toán của các đơn vị trong CAND.
Thứ năm, về áp dụng khoa học – công nghệ trong quản lý hành chính.
Trong những năm qua, Bộ Công an đã nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, như: xây dựng Website Công an tỉnh; Trang Thông tin dịch vụ hành chính công Công an tỉnh liên kết với Website Công an tỉnh và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; thiết lập hình thức tiếp nhận trực tuyến các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 1, cấp độ 2 đối với hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Một số lĩnh vực đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, như: thông báo lưu trú trực tuyến; khai báo, tiếp nhận, quản lý và khai thác thông tin tạm trú của người nước ngoài; đăng ký, quản lý con dấu…
Riêng trong năm 2020 đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đăng ký lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy và khai tờ khai đăng ký xe ô tô trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Công an. Một số hoạt động quản lý đã được triển khai bằng phần mềm máy tính tự động như cấp biển số phương tiện giao thông, triển khai hệ thống giao thông thông minh… đã phục vụ lượng “khách hàng” nhiều hơn, tiết kiệm thời gian, công sức cho Nhân dân và doanh nghiệp, hạn chế sự sách nhiễu, gây khó khăn phiền hà của cán bộ, chiến sĩ khi cung ứng các dịch vụ hành chính công.
2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC trong CAND thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: công tác chỉ đạo, điều hành về hoạt động CCHC của Công an một số đơn vị, địa phương chưa chủ động, thiếu tính sáng tạo, chủ yếu dựa vào nội dung hướng dẫn của cấp trên. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chưa thể hiện hết trách nhiệm “vì Nhân dân phục vụ”. Mức độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu về kỹ năng hành chính của đội ngũ cán bộ còn thấp… Việc ứng dụng CNTT vào công tác CCHC chưa toàn diện, nhiều phần mềm chưa được ứng dụng trong thực hiện CCHC; mạng máy tính tại một số đơn vị chưa đồng bộ, nhất là tại công an cấp huyện, cấp xã…
3. Trước thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong CAND, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: đề cao vai trò của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác CCHC trong đơn vị. Quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thực hiện các Chương trình tổng thể CCHC nhà nước theo từng giai đoạn trong lực lượng CAND. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhằm xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác CCHC, từ đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC trong lực lượng CAND. Lấy chỉ số CCHC là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm của công an các đơn vị, địa phương, trong đó gắn với trách nhiệm của thủ trưởng công an các cấp.
Hai là, về thể chế hành chính, các đơn vị chức năng phải thường xuyên rà soát các TTHC liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, qua đó nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất nhằm bãi bỏ những TTHC rườm rà, không cần thiết, giảm bớt chi phí, thời gian đi lại cho người dân. Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, của Nhân dân vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự thuộc thẩm quyền của Bộ Công an nhằm bảo đảm tính dân chủ. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các TTHC trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương cũng như tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC.
Ba là, ứng dụng hiệu quả CNTT phục vụ công tác CCHC. Cần chú trọng việc đầu tư, trang bị nâng cấp hệ thống phần mềm ứng dụng để phục vụ cho việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, cần lưu ý, phần mềm này được liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đầu tư nâng cấp hạ tầng máy tính, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã, khai thác tối đa, hiệu quả hệ thống mạng máy tính hiện có, quan tâm nguồn lực để xây dựng hệ thống CNTT phục vụ CCHC trong nội bộ.
Bốn là, cán bộ, chiến sĩ CAND nói chung, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC cần nêu cao tinh thần trách nhiệm “vì Nhân dân phục vụ”. Có thể tổ chức làm thêm ngày thứ 7 hoặc cử các tổ công tác xuống địa bàn cơ sở để hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân (việc cấp lại, cấp đổi chứng minh nhân dân), đặc biệt quan tâm tới các đối tượng là người già yếu, người khuyết tật, ưu tiên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lãnh đạo chỉ huy công an các đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng CNTT, tham gia các lớp tập huấn quy trình sử dụng phần mềm có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thi hành công vụ, tránh hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, nhất là trong một số lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm: tuần tra kiểm soát giao thông, quản lý sổ hộ khẩu, cấp giấy chứng nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự…; xử lý nghiêm đối với những trường hợp có hành vi vi phạm.
Sáu là, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình CCHC nhà nước theo từng giai đoạn, qua đó có những đánh giá mang tính chính xác, khách quan làm căn cứ xây dựng những định hướng về công tác CCHC trong CAND giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, thường xuyên tiến hành đối thoại với tổ chức, cá nhân về các TTHC trong phạm vi quản lý của Bộ Công an, lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ CAND.
Chú thích:
1. Tinh gọn bộ máy Công an nhân dân – Cuộc cách mạng về tổ chức. http://cand.com.vn, ngày 12/10/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.
2. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019).
3. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019).
TS. Vũ Việt Hà
Học viện Chính trị Công an nhân dân